Discover millions of ebooks, audiobooks, and so much more with a free trial

Only $11.99/month after trial. Cancel anytime.

Ngữ nguyên tiếng Việt: 3000 từ vựng cơ bản
Ngữ nguyên tiếng Việt: 3000 từ vựng cơ bản
Ngữ nguyên tiếng Việt: 3000 từ vựng cơ bản
Ebook478 pages5 hours

Ngữ nguyên tiếng Việt: 3000 từ vựng cơ bản

Rating: 0 out of 5 stars

()

Read preview

About this ebook

Các bạn đang đọc một quyển sách tìm về cội rễ tiếng Việt của một người phi hàn lâm, chỉ có tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình dẫn lối. Con số khoảng 3000 âm khai mở ở đây là ước tính gần đúng. Bảng excel còn sót rất nhiều âm/chữ đã tìm ra trong văn bản, đó là chưa kể một chữ Nho thường có rất nhiều âm và nghĩa. Dù đã cố gắng hết sức, áp dụng chân kiềng “âm – nghĩa – dụng” rất ngặt nghèo và khắt khe để đánh giá nhưng sai lỗi và nhầm lẫn do chủ quan là không thể nào tránh khỏi. Hơn nữa kho từ vựng Việt ngữ quá đồ sộ, một bộ óc không thể nào làm chủ hết được. Có người phê bình tác giả nhiều lúc sa đà vào phạm trù tư tưởng trong một quyển sách viết ra với mục đích tìm hiểu gốc rễ âm từ tiếng Việt. Thật ra, như triết học Marx Lenine đã nói rõ, khi lượng đủ lớn sẽ làm chất chuyển biến. Nếu chúng tôi chỉ khảo sát dăm ba khía cạnh thì đấy đơn giản là ngữ học thuần túy. Nhưng đến con số ngàn ở mọi mặt cuộc sống, sinh hoạt, lịch sử, văn hóa, phong tục, tôn giáo... tự dữ liệu sẽ liên kết và chuyển hóa rồi nêu bật tư tưởng. Việc cuối cùng chúng tôi làm là trích dẫn những đánh giá gần gũi với nhận thức mới của mình trong kho tàng học thuật nhân loại, dưới các tên tuổi mà ai cũng biết như Huntington, George Orwell chẳng hạn.

Chúng tôi tin rằng trong vòng 50 năm nữa, người Trung Quốc sẽ phải nghiên cứu kĩ Việt ngữ nếu muốn tỏ tưởng cổ Hán ngữ, từ đặc điểm giọng nói trở đi. Giọng bắc mà điển hình là giọng Hà Nội thừa hưởng tiếng nói của giới quan lại trí thức Đại Đường li khai lập quốc, rồi lại được làm giàu thêm bởi dân tị nạn chính trị văn hay chữ tốt từ Nam Tống, vì vậy nó rất sang trọng. Khi này khi khác, vì nhu cầu củng cố quốc gia dân tộc non trẻ, người ta đã cố tình che giấu điều này. Tuy nhiên mọi thứ sắp thay đổi một cách toàn diện. Trung tâm chính trị, khoa học, văn minh và kinh tế thế giới đang xoay trục về lại đại lục Á Âu, nhưng không còn sự giới hạn địa lý như thời Hán và thời Đường. Tiếng Việt Nam khi ấy không còn là tài sản riêng của dân tộc Việt nữa. Nó chứa đựng những hóa thạch vô giá và trường tồn của hẳn một nền văn minh tiền khai xán lạn.

Khởi thảo tại phố Hàng Buồm, Hà Nội, 2018
Hoàn thành sơ thảo tại Thạch Viên, Nhơn Trạch 3.2024
@truongthaidu

LanguageTiếng việt
Release dateMar 9, 2024
ISBN9798224935147
Ngữ nguyên tiếng Việt: 3000 từ vựng cơ bản

Read more from Trương Thái Du

Related to Ngữ nguyên tiếng Việt

Related ebooks

Reviews for Ngữ nguyên tiếng Việt

Rating: 0 out of 5 stars
0 ratings

0 ratings0 reviews

What did you think?

Tap to rate

Review must be at least 10 words

    Book preview

    Ngữ nguyên tiếng Việt - Trương Thái Du

    Mở đầu

    Nhật báo Sài Gòn ra ngày 29.9.1933, trang nhất có bài: Địa vị và quan hệ chữ Hán trong quốc văn của học giả Đào Duy Anh. Cụ Đào viết: Tuy nói cuốn Kiều là một áng quốc văn kiệt tác song toàn một cuốn chỉ có một câu dùng toàn quốc văn mà thôi, là câu - Nầy chồng, nầy mạ nầy cha. Nầy là em ruột, nầy là em dâu.

    So sánh với nhu liệu các phương ngữ Trung Quốc hiện đại, toàn bộ từ vựng mà cụ Đào cho là quốc văn thuần Việt đều có gốc Hán Đường. Ngay cả từ Nầy/Này cũng xuất phát từ chữ Nãi 乃. Mân Việt âm của nó là Này/Nầy, Ngô Việt âm là Nè. Do giao hoán N/L, Nãi đọc theo âm Nam Kinh lại chính là động từ Là: Thất bại nãi thành công chi mẫu 失敗乃成功之母, thất bại là mẹ thành công.

    Trước đó chín năm, nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du (8 tháng 12 năm 1924), tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức tổ chức, Phạm Quỳnh đã đọc một bài diễn thuyết có đoạn: Thề rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Hẳn là ông Phạm đã lấy cảm hứng từ truyện Buổi học cuối cùng (La dernière classe) của Alphonse Daudet đang được giảng dạy rộng rãi ở Đông Dương trong chương trình Pháp ngữ lúc ấy. Daudet, Phạm Quỳnh hay nhân vật thầy giáo Hamel và rất nhiều người trong chúng ta đều có lòng yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ chẳng thua gì nhau. Đó là điều không cần bàn cãi.

    Theo những nghiên cứu rất công phu, vận dụng các thuật toán thông minh, các phần mềm hữu dụng hiện đại, gần đây người ta biết rằng tiếng Pháp của Daudet và Hamel có 86,53% từ vựng gốc La Mã, 10% vay mượn ngoại lai khác và chỉ có 0,08% thuộc về di sản Gaulois bản địa. Các con số ấy chẳng làm người Pháp bớt yêu, bớt nói tiếng Pháp tí nào; và dĩ nhiên nó chẳng thể chứng minh được rằng tiếng Pháp không phải của người Pháp mà là của người La Mã (?!).

    Sau khi tìm hiểu, tra cứu và so sánh khoảng 3000 từ vựng cơ bản tiếng Việt với gần 20 phương ngữ Trung Quốc, đặc biệt là tiếng Mân (giọng chuẩn Phúc Châu, Kiến Âu, Hạ Môn và Sán Đầu), tiếng Ngô (giọng chuẩn Thượng Hải, Hàng Châu và Ôn Châu), chúng tôi thấy rằng quan hệ giữa tiếng Pháp và tiếng La Mã còn lỏng lẻo hơn quan hệ giữa tiếng Việt và tiếng Hán Đường: 99.9% của khoảng 3000 từ vựng cơ bản Việt ngữ, đã bao gồm bộ 210 từ lõi chuẩn, có gốc Hạ - Thương – Chu – Hán – Đường và Ngô – Mân. Số từ vựng Việt ngữ đọc giống Thái Tày chỉ đếm trên đầu ngón tay như Làm, Mới, Lội, Mướp… nhưng chúng cũng tương đồng với nhiều phương ngữ Hán ở Hoa Nam, kể cả các âm liên quan đến nông nghiệp như Đồng, Mương, Gạo…

    Trong khi chờ đợi kỷ nguyên cự số (big data) cùng các siêu máy tính xử lý thông tin về Việt ngữ, chúng tôi quyết định ghi chép lại, phân tích tự nguyên của khoảng 3000 từ vựng cơ bản tiếng Việt. Do trình độ chắc chắn còn hạn chế, nhiều chỗ trong quyển sách này không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi mong độc giả góp ý cho những lần cập nhật và tu chỉnh trong tương lai. 

    Giới thiệu phương pháp nghiên cứu

    Để khách quan, lõi của quyển sách này là danh mục 210 từ vựng cơ bản các ngôn ngữ gốc Tây Thái Bình dương của tiến sĩ Simon J. Greenhill và giáo sư Russell David Gray, địa chỉ [https://abvd.eva.mpg.de/austronesian/]. Trang web này đến đầu năm 2020, chứa 314.057 từ vựng cơ bản của 1.634 ngôn ngữ, chủ yếu ở khu vực Tây Thái Bình dương, cũng là kho nhu liệu khổng lồ để tra cứu gốc rễ tiếng Việt.

    Khi mở rộng ra đến khoảng 3000 đơn vị, mỗi từ sẽ được truy xuất, so sánh âm, nghĩa và cách dùng với tất cả các ngôn ngữ có liên quan, nhưng đặc biệt là 20 phương ngữ Trung Quốc tại Hán ngữ đa công năng tự khố (漢語多功能字庫) của Đại học Hồng Công [http://humanum.arts.cuhk.edu.hk/Lexis/lexi-mf/]. Nhu liệu phong phú và đầy đủ hơn nữa mà chúng tôi sử dụng là Hán Điển漢典 [https://www.zdic.net/]. Nó chứa đựng hơn 8 vạn chữ Nho và 20 vạn từ ngữ. Một chữ Nho liệt kê từ vài chục đến gần 400 phương âm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc hiện nay. Sau hết chúng tôi còn đối chiếu với Từ điển từ nguyên Hán Tạng [https://stedt.berkeley.edu/] của Đại học Berkeley California với hơn 200 ngôn ngữ.

    Ví dụ ở thời điểm 13.11.2020, Hán Điển ghi nhận chữ Tẩu走hiện ở Trung Quốc có 294 phương âm: Quan thoại 24, Ngô Việt 43, Huy châu 6, Cám ngữ 26, Tương ngữ 4, Mân ngữ 40, Việt ngữ Quảng Đông 77, Bình ngữ Quảng Tây 23, Khách gia ngữ 51. Căn cứ vào ký âm IPA và thanh điệu, có 22 phương âm tương đồng với âm Chạy và Chảy, Chẩy trong tiếng Việt Nam: Ngô Việt 10, Cám ngữ 3, Mân ngữ 1, Việt ngữ Quảng Đông 1, Khách gia ngữ 7

    Trước đây tiếng Việt thường được giới nghiên cứu cố tình so sánh với Quan thoại Bắc Kinh, độ tương đồng đặc biệt cao tại lớp từ trừu tượng ở thượng tầng - kinh tế - chính trị - văn hóa - khoa học - học thuật - hàn lâm… Đi vào lớp từ bình dân thường nhật, từ nguyên tiếng Việt khác xa tiếng Bắc Kinh nhưng lại bất ngờ gần gũi một cách đáng ngạc nhiên với tiếng Ngô và Mân tại vùng Giang Nam và Phúc Kiến. Khái niệm từ/âm thuần Việt đột nhiên lung lay đến tận gốc rễ.

    Theo ứng dụng tra cứu Hán âm trung đại trực tuyến (MCPDict - Hán tự cổ kim trung ngoại độc âm tra tuân) của Vương Uân – một nhà khoa học công nghệ ngôn ngữ hiện đang hoạt động trong ngành máy học (machine learning) thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của tập đoàn facebook: Hán âm trung đại (tức Đường âm theo định nghĩa của chúng tôi) là chủ yếu, có 3625 độc âm. Số âm đơn này hiện lưu tồn trong tiếng Mân nhiều nhất là 2219 âm, tiếng Việt Nam đứng thứ nhì với 2050 âm và chỉ còn 1370 âm ở tiếng phổ thông hiện nay ở Trung Quốc.

    Xét về mặt toán học, 2050 âm đơn có thể tổ hợp thành ít nhất 4100 từ đơn và từ ghép, gấp 2 lần số từ cơ bản của bất cứ ngôn ngữ nào, vừa đủ cho giao tiếp thường nhật, đọc báo chí, xem tivi… Nghĩa là Đường âm trong tiếng Việt có thể và thực tế là đã tạo thành ngôn ngữ riêng của tầng lớp thống trị trong xã hội Việt Nam đến khi nó suy tàn vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Tuy vậy chúng tôi vẫn đặt nghi vấn con số 2050 đơn âm là ít hơn thực tế. Chắc chắn hiểu biết tiếng Việt của người nước ngoài còn rất hạn chế và bị học thuật thực dân gây ảnh hưởng nặng nề.

    Tiếng Việt và các phương ngôn ven biển Hoa Nam có chung một nguồn gốc, nó khiến cho nhiều thuật ngữ hiện đại phát sinh độc lập có sự tương đồng nhất định. Chẳng hạn, danh từ Xe đạp chỉ có thể ra đời sau khi Baron Karl von Drais phát minh ra xe đạp năm 1817. Người Đài Loan, Phúc Kiến, Giang Chiết, Thượng Hải mô tả nó là Cước đạp xa 腳踏車 (xe chân đạp). Tiếng Việt gẫy gọn hơn, chỉ dùng hai âm/từ Xe đạp 車踏. Tiếng Quảng Đông gọi xe đạp là Cước xa hay Đan xa 單車 (xe đơn). Chúng ta thấy rõ ràng rằng, dù gần Việt Nam hơn theo đường chim bay, nhưng Quảng ngữ vẫn xa Việt ngữ hơn tiếng Mân và Ngô khi hình dung các khái niệm hiện đại trên cơ sở từ vựng cổ truyền.

    Từ điển cổ và Vận thư 韻書

    Trong kho tàng văn tự, Vận thư 韻書 là loại sách quan trọng bậc nhất để truy lục cổ âm nhằm xác định từ nguyên Việt ngữ. Điều hết sức lưu ý ở đây là các bản Vận thư cổ xưa tìm được ở Trung Quốc không hoàn toàn thống nhất với nhau, mỗi xứ, mỗi vùng, mỗi dị bản thỉnh thoảng lại có những âm lạ, bất đồng. Chẳng hạn Hán Điển trực tuyến ghi nhận duy nhất bản Tập Vận ký hiệu 16.4.3 có ghi lại chữ Công 公 đọc bằng âm [chồng]. Đây chắc chắn là cổ âm vì hình thanh bằng Công còn có chữ Chung 妐 (chỉ anh chồng, cha chồng). Trong quyển sách này nhiều lần chúng tôi sẽ trích dẫn Vận thư, do vậy xin được giới thiệu vắn tắt một số quyển chính cũng như niên đại của chúng. Quyển ra đời sau hầu như luôn là bản cập nhật, mở rộng và chuẩn hóa tiền bản: 

    Thanh loại 聲類 (Tam quốc) và Vận tập 韻集 (Tấn) là hai quyển Vận thư xưa nhất nhưng đã thất lạc. Tuy nhiên thư tịch thời Ngụy và Đường còn mô tả Thanh loại đã xác định 5 thanh, Vận tập lại đặt tên cho chúng là Cung 宮, Thương 商, Giác 角, Trưng 徵 và Vũ 羽. Thiết Vận 切韻 xuất bản năm 601 thời Tùy, từ mục gồm 12.158 chữ. Đây là cơ sở để Đường vận 唐韻 ra đời khoảng năm 732. Quảng Vận 廣韻 xuất bản khoảng năm 1007 đến 1008, thời Tống, từ mục 19.583 chữ. Tập Vận 集韻 xuẩt bản năm 1037 thời Tống, từ mục 53.525 chữ. Hồng Vũ chánh vận 洪武正韻, xuất bản năm 1375 thời Minh, bổ khuyết sau đó cho ra tổng từ mục 12.676 chữ.

    Nếu Vận thư giúp tra cứu cổ âm thì các tự điển cổ rất hữu dụng để tìm nghĩa cổ, nhiều khi chỉ lưu tồn trong tiếng Việt. Nhĩ Nhã 爾雅 nhiều khả năng ra đời ở tận thời Chiến Quốc, ghi nhận và giải nghĩa 13.113 chữ Nho. Đây là quyển tự điển xưa nhất còn tồn tại trong nền văn minh Á Đông. Thuyết văn giải tự 說文解字, Đông Hán, thế kỷ 2. Thích danh 釋名, Đông Hán, thế kỷ 3. Phương ngôn…

    Trong quá trình tra cứu từ nguyên, chúng tôi nhận thấy có vấn đề ở việc phiên âm chữ Nho trong các từ điển Hán Việt khiến cho nhận diện gốc của âm bạch thoại rất khó khăn. Đơn cử là nhóm Đường âm bắt đầu bằng T và có âm Bắc Kinh bắt đầu bằng B. Nếu Tỷ/Bỉ 比 được phiên bằng cả hai phụ âm T và B, thì chúng tôi biết ngay do biến âm B/V chữ Bỉ 比 sẽ được đọc là Ví (như ví dụ, ví von), trong khi Tỷ sẽ cho ra Thí (thí dụ). Nhưng với Tân trong Tân Lang 槟榔 (cây cau, kí âm Pinang ngôn ngữ Tây Thái Bình dương từ thời Hán) trong Lĩnh Nam Chích quái thì tự điển Hán Việt không có âm Bân hay Bin. Hoặc như với Tị 鼻, nếu có âm Bị thì sẽ biết ngay dưới biến âm B/M cổ âm của nó chính là Mũi, biến âm B/V sẽ làm rõ gốc của Vòi. Cả hai chữ Tân 濱 (bến sông) và Tân 賓 (khách quý) trong Trung Châu âm vận thời Minh phiên thành Bân; Thất 七 thành Bĩ/Bẩy nhưng tuyệt nhiên không có Đường âm tương ứng. Đây là thiếu sót không phải duy nhất, rất nghiêm trọng và cần sớm chỉnh lý của các tự điển Hán Việt.

    Ngôn ngữ thông dụng Á Đông cận đại, tiếng Đường

    Trước khi bước vào thời hiện đại, Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, luôn tồn tại song song hai hệ thống ngôn ngữ. Văn ngôn khúc chiết, sâu sắc, cô đọng, thanh nhã, đầy đủ, chính xác nhưng khó hiểu với đại chúng. Bạch thoại dân dã chủ yếu lưu giữ cổ Hán âm hay phương ngôn, gần gũi, giản đơn song tùy tiện, dài dòng, đa nghĩa, chuyển tải nhiều tầng nấc tâm tư tình cảm bình dị, thi thoảng hoang dã, thô tục trí trá, thậm chí nhơ bẩn. Ở văn cảnh hàn lâm, người Việt dùng Đường âm chuẩn tắc của chữ Nho, nhưng thường phải truy lục đến Mân và Ngô ngữ để xác định biến âm và gốc rễ bạch thoại. Vì thiếu nhu liệu nên nhiều người đã không phân biệt được Hán âm và Đường âm trong tiếng Việt. Việc cho ra đời những thuật ngữ lỏng lẻo và tuyệt đối sai lầm như từ/âm Hán Việt (bản chất là từ/âm Đường) đã dẫn đến hệ quả bóp méo cả lịch sử ngôn ngữ.

    Văn ngôn Đại Đường chính là ngôn ngữ hành chánh và hàn lâm thông dụng cận đại của Á Đông, là Lingua Franca của nền văn minh chúng ta. Bởi vậy Phan Bội Châu mới có thể bút đàm với Lương Khải Siêu hay các chính khách Nhật. Nếu đọc lịch sử châu Âu, chúng ta sẽ thấy không dưới một lần vua Ba Lan được giới tăng lữ và quý tộc bầu chọn và đưa từ Pháp, Thụy Điển hoặc nơi khác đến. Hầu như những người ngoại quốc này không nói được tiếng nói của nhân dân Ba Lan mà chỉ giao tiếp với giai cấp thống trị và quốc hội chủ yếu bằng tiếng Latin. Rõ ràng ở đây tiếng Latin giữ vai trò như Văn ngôn Á Đông. Các thứ tiếng mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Ba Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Ý... thật ra vốn là bạch thoại, là lời ăn tiếng nói thường nhật của các cộng đồng địa phương, tạo nên bản sắc riêng cho những người nói.

    Tiếng Quảng Đông nhiều phần giống tiếng Việt bởi cùng chia sẻ ngôn ngữ thông dụng của quá khứ, từ Hán đến Đường. Nhưng để kết luận về nguồn gốc thì phải căn cứ vào các từ lõi dân dã hoặc số đếm. Ở khía cạnh này tiếng Việt chỉ tương đồng với tiếng Ngô Việt và Mân Việt mà thôi. Việt Nam/Ngô Việt: Tay/Sei (Thủ 手), Chân/Châng (Hĩnh 脛), Đi/Ti (Điệp 蹀), Vợ/Vợ (Phụ 婦), Quê/Kuê (Quán 貫). Việt Nam/Mân Việt: Sáu/Sáu (Lục六), Mắt/Mắc (Mục 目), Núi/Núi (Loan 巒), Ngửi/Ngửi (Văn 聞), Lưỡi/Lưỡi (Thiệt 舌), Hè/Hè (Hạ 夏), Kộ/Kộ (Kiệu 轎), Chè/Chè (Trà 茶), (dưa) Hấu/Hấu (Hồ胡)...

    Có lẽ trong các giáo trình ngôn ngữ Âu Mỹ người ta dạy rằng giới bình dân khi nói nhanh sẽ nuốt bớt các nguyên âm hoặc phụ âm của các từ. Rất nhiều các nhà văn phương Tây đã dùng chi tiết này để mô tả thân phận nhân vật. Cũng có những cái tên lạ, phát âm sai, ghi chép sai, vì văn hóa thấp, như Moss là từ Moses mà ra. Ở nền văn minh của chúng ta, các âm dân dã được gọi là bạch thoại. Hiểu biết nông cạn của học giới Việt Nam về tiếng Việt khiến họ qui hết các âm này về cái gọi là thuần Việt một cách tùy tiện, vô căn cứ, rồi theo đó mà xây dựng cả một nền ngữ học trên sự bất cập.

    Khi nhà Hán thành lập, giới quý tộc Hán phần lớn xuất thân từ huyện Bái, quê hương Hán Cao tổ Lưu Bang. Trong 18 vị vương đầu tiên của họ Lưu, đã có 10 vị từ đất Bái, chưa kể rất nhiều công hầu khai quốc. Bái cũng là đất tổ của Chu Nguyên Chương, người lập ra nhà Minh sau này. Như vậy rõ ràng Bạch thoại Bái huyện sẽ là xương sống của Bạch thoại của toàn bộ Đại Hán. Huyện Bái ngày nay thuộc tỉnh Giang Tô, nằm không xa bờ bắc sông Hoài, biên giới của thuật ngữ Bách Việt có từ thời Chiến quốc. Vùng đất này vốn là cực tây nam nước Tống, giáp với nước Ngô sau đó bị Sở thôn tính, trí đặt quận huyện. Bái dân từ thời Tần đã rất chuộng món mộc tồn. Vũ hầu Phàn Khoái, đại công thần của họ Lưu vốn là một tay dao pha thịt chó khi còn ở huyện nhà và rất hay cho Bái công ghi sổ nợ.

    Phát triển lên từ bạch thoại Hán Đường của một nền văn minh vĩ đại và trường tồn, tiếng Việt cực kì giàu có, phong phú và đa nghĩa. Chúng tôi luôn phát bệnh với những kẻ tinh hoa mở miệng chê bai tiếng Việt, dù cái gọi là văn chương của họ nghèo nàn, sáo rỗng và vọng ngoại me tây đến đần độn. Chúng tôi chỉ đọc và học tiếng Việt qua sách dịch là chính, một ngày khoảng vài ngàn từ/chữ, liên tục mấy chục năm nay. Dịch giả nếu còn yếu tiếng Việt, họ sẽ tra tự điển. Tác giả Việt văn hiện đại chúng tôi thấy hầu như chỉ toàn bịa nhảm, nhiều người viết/nói mà chả hiểu mình muốn chuyển tải điều gì.

    Không nắm được nét đại thể nhưng liều lĩnh, đã dẫn đến việc nhiều nhà kiến giải địa danh bôi tro trát trấu tên tuổi của mình mà không biết. Điển hình như Trương Vĩnh Ký bảo Sài Gòn nghĩa là củi gòn, thực ra đây là Mân âm của hai chữ Nho - Tây Cảng 西港 hoặc Tây Giang 西江. Trần Quốc Vượng vặn vẹo âm Mân Hán - Gièm/Chèm của chữ Liêm 廉 trong Từ Liêm 慈廉, chả ngại xuyên không từ Chiêm Thành đến bịa tạc ra âm t’liem và gán nó cho một chủng người chưa rõ trong quá khứ. Được học thuật đầy nọc độc của thực dân bơm mớm, cổ vũ và tẩy não, nhiều học giả điên cuồng thoát Hán bài Hoa, giải thích lung tung và rất vô căn cứ nhiều địa danh lịch sử ở Việt Nam. Có người nhất mực bảo rằng Huế mang âm hưởng tiếng Champa. Chèm và Sài Gòn đều là bạch thoại Việt ngữ gốc Mân Hán, và Huế cũng vậy. Tên chữ Nho đọc theo tiếng Đường của Huế là Thuận Hóa 順化. Hóa 化 có Mân âm là Huế, cũng như Hoa/Huê 花, Hòa/Huề 和. Sự thật là, tổ tiên người Kinh Việt di cư đến mảnh đất phương nam này với tâm thế là những người thượng đẳng, rất xem thường văn hóa của thổ nhân bản địa, do đó họ không bao giờ dùng tiếng địa phương.

    Tận tín thư

    Cách nay hơn 2300 năm, Mạnh Tử nói: Tận tín thư, tắc bất như vô thư 盡信書, 則不如無書. Đại ý rằng nếu tin tưởng bất cứ quyển sách nào một cách mù quáng, không suy xét kiểm chứng, thì thà không đọc sách còn hơn. Tận tín thư từ lâu đã trở thành ngạn ngữ trong Nho quyển.

    Vậy mà, rất nhiều tài liệu khảo cứu Việt ngữ, dù các tác giả Hán Nôm gạo cội của nó luôn vỗ ngực liêm chính khoa học chuẩn tây dương, lại hết lần này đến lần khác dẫn tự điển của nhóm Alexandre de Rhodes như một tín điều không cần và không được phép biện giải, so sánh, đánh giá. Thậm chí so sánh với chữ Nôm cùng thời hoặc trước thời ấy cũng bị lờ đi, ít nhất là ở góc độ hình thanh, để xem nhóm Rhodes đã kí âm từ người nói ngọng hay lấy nguồn từ giới học thức tinh hoa.

    Ở đây xin ví dụ về chữ Cẩu 狗 chỉ con chó. Hán ngữ đa công năng tự khố của Đại học Hồng Kông ghi nhận tại Hạ Môn, tiếng Mân Nam có 2 cách đọc. Bạch thoại dân dã đọc là Cáo [kau53]. Giới có học và văn vẻ, đọc là Có [kɔ53]. Trong khi đó Hán Điển chú thích rõ ràng tiếng Mân Trung tại Minh Khê, Phúc Kiến, sự khác nhau của bạch thoại và văn vẻ chỉ biểu hiện trong thanh điệu: (bạch) Kẩy/Kẫy [kay5] hoặc (văn) Kấy/Kậy [kay31], gần giống như Cầy trong tiếng Việt. Ở Việt Nam đã có ai đặt câu hỏi các thầy tu Gia tô đã ghi lại loại âm nào chưa? Hay chỉ tận tín thư, chỉ cần tác giả là người Tây thiên tài toàn năng là đủ?

    Huntington viết: Con người tự xác định mình bằng dòng dõi tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, hệ giá trị, phong tục và giáo thuyết. Họ xác định danh phận mình bằng cộng đồng văn hóa: bộ lạc, bộ tộc, cộng đồng tôn giáo, quốc gia, và ở mức độ rộng rãi nhất là nền văn minh. Học thuật Thực dân nói riêng và phương Tây nói chung chỉ phục vụ chủ nghĩa thực dân và lợi ích của phương Tây. Không có bữa ăn nào miễn phí và nhà văn tiến bộ George Orwell đã viết: Cách hiệu quả nhất để tiêu diệt một dân tộc là phủ nhận và mạt sát sự lý giải của chính họ về lịch sử của mình. (The most effective way to destroy people is to deny and obliterate their own understanding of their history).

    Như vậy để nô lệ hóa một dân tộc, phải làm sao cho vài thế hệ chối bỏ cội rễ (Mân Việt), phủ nhận tôn giáo nền tảng (Đạo giáo), xuyên tạc nguồn gốc ngôn ngữ (Hán Mân), chuyển lịch sử thành môn giáo dục tự chọn, phỉ báng hệ giá trị Á Đông và nền văn minh Nho quyển…

    Một số vấn đề ngữ pháp và ngữ âm

    Các yếu tố cốt tử để xác định tiếng Việt thuộc về thế giới Nho học là: Độ tương đồng của ngữ pháp, âm tố, âm vị trong trường nghĩa, hình thái đơn âm hữu thanh. Quy luật biến âm xuyên suốt và cách sử dụng lượng từ tương đối thống nhất. Hầu hết các thuật ngữ ngôn ngữ học phương Tây hiện được dùng để nghiên cứu tiếng Việt (và cả tiếng Trung, chữ Nho) đều có độ khập khiễng rất cao so với thực tế, dưới ánh sáng nhu liệu và biện chứng lịch sử Á Đông.

    Biến âm: Ngôn ngữ Á Đông nói chung có sự hiện diện của hầu hết các quy luật biến âm phổ biến của nhân loại, bởi nói cho cùng, loài người chỉ là một giống nòi duy nhất. Lấy ví dụ vùng Joachimtal của Bohemia là nơi có mỏ bạc mà từ năm 1518 đã được thiết lập sở đúc tiền. Những đồng bạc này được gọi là Joachimsthaler rồi giản hóa thành Thaler. Từ TK 17 nó trở thành đơn vị tiền tệ của toàn trung Âu. Phổ biến qua Tây Ban Nha, Thaler biến âm thành Taleros, qua Ăng Lê thì ra Dollar. Năm 1787 và 1871 Dollar lần lượt trở thành tên gọi đồng tiền chính thức được lưu hành ở Mỹ và Canada. Chúng ta thấy ở đây sự biến âm có qui luật phổ quát mà chưa hề có một kẻ học phiệt thực dân nào dám đề cặp trong Việt ngữ. Vì nếu người Việt sớm biết được điều này, thì sự bịa đặt về cái gọi tái lập tiền âm thuần Việt của chúng sẽ hiện nguyên hình một sản phẩm bẩn thỉu dùng để nhồi sọ và tẩy não người dân Việt Nam. Thaler và Dollar tồn tại các biến âm sau: [a]/[o]: như Ba/Bố, Mồ/Mả... [e]/[a]: như Hạ/Hè, Trà/Chè... [t]/[đ]: như Tồi/Đồi, Tịch/Đích. [th]/[đ]: như Thạch/Đá, Thỏa/Đã..

    Trong quá trình khai mở ngữ nguyên tiếng Việt, chúng tôi đã xác định được hàng chục quy luật biến âm tạo thành chuỗi và sẽ lần lượt trình bày chi tiết tại một số từ mục. Quy luật biến âm tiếng Việt rất phong phú và bị che khuất bởi sự ký âm không thống nhất và nhiều sai lầm. Chả hạn Ráo trong khô ráo từ chữ Táo 燥 đồng nghĩa, nếu ký âm đúng là Giáo thì hiện ra ngay quy luật biến âm Gi/Ch như Giời/Chời, Giăng/Chăng. Đây là kiểu biến âm bằng cách tráo đổi, có thể là vòng tròn các phụ âm đầu: L/Đ như Điểu/Lẹo, Đồn/Lồn, Lụ/Đụ. Đ/T như Điểu/Tỉu,  Đồn/Tủn, Tịch -> Đít, Đích, Địt, Địch. L/N như Lẹo/Nẹo. Rất nhiều chữ Nho và Nôm thoáng như có vẻ viết một đàng, đọc một nẻo, nhưng thực ra chúng xáo trộn các âm của các thời đại và tuân theo quy luật biến đổi về âm, thanh, vần, điệu… Quy luật biến âm ở tiếng Việt không hề độc lập mà nó tạo thành một thể thống nhất với các phương ngữ và cả tiếng phổ thông ở Trung Quốc. Quy luật biến âm Á Đông lục địa nói chung, có thể khẳng định là diễn ra tự nhiên từ thời đại này qua thời đại khác hằng mấy ngàn năm nay và những từ cổ nhất còn tồn lưu trong tiếng Việt nhiều nhất. Nó hiện ra vẻ kỳ bí trong quyển sách này, chỉ bởi vì đã nằm ngoài dự đoán và ghi nhận của nhiều nhà ngôn ngữ học xưa nay.

    Cũng hết sức lưu ý, sự tương đồng của Việt âm và các phương âm Trung Quốc hoàn toàn có thể vì cùng gốc và cùng quy luật biến âm, chứ không phải do học hỏi hay mượn âm của nhau. Lấy ví dụ chữ Tửu 酒, âm chuẩn đồng bằng sông Hồng đọc là Diệu/Giệu/Ziệu. Biến âm Gi/Nh cho ra Nhậu, nghĩa là uống rượu. Ở Trung Quốc xảy ra biến âm Gi/Ch như trường hợp Giời/Chời tại Việt Nam, do đó Diệu/Giệu/Ziệu hầu hết được phát âm là Chiểu/Chiều/Chiêu/Chiễu… tùy vùng miền. Chữ Nhập 入 là Đường âm. Hậu Đường âm mất hậu tố [p], biến âm Gi/Nh cho ra âm Dô/Giô/Zô. Nhập tửu入酒 chính là Một… hai… ba… Zô.. ô..ô… mà ngày nay chúng ta vẫn nghe khắp các quán bia rượu mọi miền Việt Nam.

    Ví dụ thêm biến âm vòm mềm tắc nặng G/K chứng tỏ Gươm và Kiếm là đồng nghĩa. Khi tổ tiên người Việt còn ở vùng Giang Nam tìm ra đồng, họ gọi nó là Kim 金. Từ Kim rèn thành Kiếm 鐱, chính là chữ Kiếm trên thanh gươm Câu Tiễn, nhiều khả năng họ phát âm chữ này là Gươm. Chữ Kiếm 鐱 đã bị Tần Thủy Hoàng thủ tiêu, nhưng vẫn giữ âm. Qua đến Hán Đường, G biến âm qua K, nên có Kiếm. Gold trong tiếng Anh và tiếng Đức chỉ vàng, ở tiếng Phần Lan, biến âm G/K cho ra Kulta. Tiếng Hàn không phân biệt G và K, Kim 金 còn đọc là Geum (gươm). Như vậy Gươm/Kiếm là một câu chuyện dài của mấy ngàn năm Việt ngữ. Gươm về bản chất, có thể nhìn nhận là Hán âm chuẩn nhưng gốc rễ Đại Việt tận thời Thương Chu. Về cơ bản, Việt âm còn giữ lại rất nhiều cổ thể muộn nhất là từ thời Hán.

    Đồng âm, biến âm và dị dụng của tiếng Việt rất nhiều và đa dạng, đòi hỏi khi đàm thoại phải có ngữ cảnh rõ ràng mới biết âm ấy nghĩa gì. Dùng các cặp biến âm, thậm chí chúng tôi có thể viết ra thành văn vần lục bát.

    Thi 屍 thây, Thị 視 thấy, Phi飛 bay

    Phẫu 掊 bồi, Tẩu 走 chạy, Cẩu 狗 cầy, Tấu 奏 chơi

    Biến thanh, biến vận và biến điệu: Biến thanh để sắp xếp lời nói lên bổng xuống trầm hài hòa dễ nghe, giống như hòa điệu trong âm nhạc. Ở trên chúng tôi từng ví dụ chữ Tiểu 小 đã biến hóa cho ra một loạt thanh bằng trắc khác nhau. Một trường hợp khác là chữ Lợi 利 với dải biến thanh bạch thoại Lời, Lãi, Lai, Lì (trong lì xì)… Hay như Điếu/Điểu -> Đéo, Lẹo, Nẹo. Biến điệu là khinh hóa âm vị, tức là phát âm nhẹ đi, tạo âm gió giúp cho tiếng nói mang vẻ sang trọng hơn như Thủn/Tủn, Đít/Đích, Địt/Địch. Biến vận là trường hợp chúng tôi chưa đi sâu nhất nhưng cũng đã chỉ ra các cặp Chiêm Chiếp, Thiêm Thiếp. Cặp Tôm Tép tiếng Việt bạch thoại dùng cả hai âm, Tép được phân chức năng trỏ con Tôm nhỏ.

    Enjoying the preview?
    Page 1 of 1