Discover millions of ebooks, audiobooks, and so much more with a free trial

Only $11.99/month after trial. Cancel anytime.

Góp Nhặt Thời Gian
Góp Nhặt Thời Gian
Góp Nhặt Thời Gian
Ebook716 pages10 hours

Góp Nhặt Thời Gian

Rating: 0 out of 5 stars

()

Read preview

About this ebook

Nhiều bài viết được thu nhặt lại để góp thành tập sách nhỏ này. Góp Nhặt Thời Gian là thành quả của sự suy tư qua nhiều chặng đường tâm thức. Lắm lúc thấy lòng trầm xuống khi nghĩ về chư Tôn Túc, Ân Sư mà khơi dậy đôi lời thơ nhỏ, xem như là tâm tình lắng đọng nơi cõi tĩnh lặng như nhiên của một thời thọ nhận những lời giáo huấn, những khuôn vàng thước ngọc để từ đó lớn lên. Cảm tác là tình cảm tự nhiên của tâm, của ý về ân sâu nghĩa nặng ấy.
Điều mà mình chưa làm được thì hóa thân của chư vị Bồ Tát đã làm, làm như tấm gương sáng làu làu, trải qua bao nhiêu dòng thời gian vô cùng chẳng thể xóa nhòa khi mà đạo tâm đã thật chứng. Nơi đây đáng lẽ phải là vô ngôn, vô ngữ, không chữ nghĩa thi ca. Nhưng vì muốn cho người được biết để cùng chia sẻ trong dòng suối từ mà giải bày đôi dòng tâm sự.
Cũng có lúc tâm thức như bùng vỡ, rơi rớt những mảnh vụn rải rác đó đây: trên đỉnh đồi hoang vu, bên ghềnh đá lạnh gió chiều mù sương, nước mặn, mây trời thong dong mà ghi nhận đôi dòng, như trải nghiệm một thời lưu vong, quên mình trong hố thẳm, để từ đó vực dậy mà nhớ lời Phật dạy, nhằm thăng hoa cho đời tươi mát, nhờ vậy mà có mặt trên khắp nẻo đường để nhớ về quê xưa chốn cũ của mình ngày xa xưa ấy.
Rồi một hôm nào đó, trầm ngâm suy tư về một thời quá khứ, nhớ lại bao hình ảnh từ thuở lên mười, làm điệu quét lá bồ đề trước sân chùa mà lắng nghe tiếng chổi xào xạc trên nền đất, như lưu lại của thời sơ tâm. Đến nay, tiếng chổi quét ấy như còn tiềm ẩn đâu đó trong tâm để viết thành những dòng chữ cho chính mình.
Con đường đi qua như dài vô tận, có nhiều kỳ hoa dị thảo, có cội thông già, có dòng suối mát... thoảng đâu đó có tiếng chim ca lảnh lót, nhưng không thiếu những gập ghềnh uốn khúc, hố sâu, sỏi đá. Sự thử thách là điều hẳn có, dưới bàn chân, trên đôi vai, từng sợi tóc bạc dáng dấp của thời gian lờ mờ khói hương. 
Góp Nhặt Thời Gian như là tiếng nói của chính mình khi nghĩ về điều muốn nói thì đã nói, muốn viết thì đã viết. Viết như đánh dấu từng điểm thời gian, từng bước chân đi qua dù dài hay ngắn, dù chậm hay mau, nhưng giờ là thế đó.
San Diego, ngày 22 tháng 04 năm 2014
Nguyên Siêu
 

LanguageTiếng việt
Release dateFeb 13, 2023
ISBN9798215947975
Góp Nhặt Thời Gian

Related to Góp Nhặt Thời Gian

Related ebooks

Reviews for Góp Nhặt Thời Gian

Rating: 0 out of 5 stars
0 ratings

0 ratings0 reviews

What did you think?

Tap to rate

Review must be at least 10 words

    Book preview

    Góp Nhặt Thời Gian - Thích Nguyên Siêu

    LỜI NÓI ĐẦU

    N

    hiều bài viết được thu nhặt lại để góp thành tập sách nhỏ này. Góp Nhặt Thời Gian là thành quả của sự suy tư qua nhiều chặng đường tâm thức. Lắm lúc thấy lòng trầm xuống khi nghĩ về chư Tôn Túc, Ân Sư mà khơi dậy đôi lời thơ nhỏ, xem như là tâm tình lắng đọng nơi cõi tĩnh lặng như nhiên của một thời thọ nhận những lời giáo huấn, những khuôn vàng thước ngọc để từ đó lớn lên. Cảm tác là tình cảm tự nhiên của tâm, của ý về ân sâu nghĩa nặng ấy.

    Điều mà mình chưa làm được thì hóa thân của chư vị Bồ Tát đã làm, làm như tấm gương sáng làu làu, trải qua bao nhiêu dòng thời gian vô cùng chẳng thể xóa nhòa khi mà đạo tâm đã thật chứng. Nơi đây đáng lẽ phải là vô ngôn, vô ngữ, không chữ nghĩa thi ca. Nhưng vì muốn cho người được biết để cùng chia sẻ trong dòng suối từ mà giải bày đôi dòng tâm sự.

    Cũng có lúc tâm thức như bùng vỡ, rơi rớt những mảnh vụn rải rác đó đây: trên đỉnh đồi hoang vu, bên ghềnh đá lạnh gió chiều mù sương, nước mặn, mây trời thong dong mà ghi nhận đôi dòng, như trải nghiệm một thời lưu vong, quên mình trong hố thẳm, để từ đó vực dậy mà nhớ lời Phật dạy, nhằm thăng hoa cho đời tươi mát, nhờ vậy mà có mặt trên khắp nẻo đường để nhớ về quê xưa chốn cũ của mình ngày xa xưa ấy.

    Rồi một hôm nào đó, trầm ngâm suy tư về một thời quá khứ, nhớ lại bao hình ảnh từ thuở lên mười, làm điệu quét lá bồ đề trước sân chùa mà lắng nghe tiếng chổi xào xạc trên nền đất, như lưu lại của thời sơ tâm. Đến nay, tiếng chổi quét ấy như còn tiềm ẩn đâu đó trong tâm để viết thành những dòng chữ cho chính mình.

    Con đường đi qua như dài vô tận, có nhiều kỳ hoa dị thảo, có cội thông già, có dòng suối mát... thoảng đâu đó có tiếng chim ca lảnh lót, nhưng không thiếu những gập ghềnh uốn khúc, hố sâu, sỏi đá. Sự thử thách là điều hẳn có, dưới bàn chân, trên đôi vai, từng sợi tóc bạc dáng dấp của thời gian lờ mờ khói hương.

    Góp Nhặt Thời Gian như là tiếng nói của chính mình khi nghĩ về điều muốn nói thì đã nói, muốn viết thì đã viết. Viết như đánh dấu từng điểm thời gian, từng bước chân đi qua dù dài hay ngắn, dù chậm hay mau, nhưng giờ là thế đó.

    Từng chặp tư tưởng nghĩ về Cha Mẹ, Thầy Tổ, về bạn bè, về chốn nhà xưa, nơi đầu đời bằng tiếng khóc tiếng cười rộn rã. Những âm ba ấy như sống mãi trong lòng, một giấc mơ dài của thế kỷ. Rồi cứ thế, cặm cụi nhìn bước chân đi qua, lưu dấu cuộc hành trình mà tưởng mình như cỏ nội hoa ngàn trong cơn bão tố, để định vị từng chặp thời gian sinh rồi diệt, có rồi không theo dòng cuồng lưu nhân thế.

    Góp Nhặt Thời Gian là một cố gắng trên tiến trình suy tư thích hợp cho mỗi sự việc. Rải rác khắp đó đây theo bước lưu cư trên mặt đất, người viết đã dừng chân đứng lại mỗi trú xứ. Đó là quê hương, là nhà hay quán trọ qua đêm sâu thẳm, dài hun hút. Dầu vậy, vẫn cố gắng góp nhặt để lưu trữ những gì của một thời cưu mang, để cảm ơn những người đã vá áo chép kinh nơi đất khách mà lắng tâm nghe âm ba đồng vọng nơi đây như chất liệu sống linh thiêng, mầu nhiệm, tiễn đưa người vào quê Phật như nhiên tự tại, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng có, chẳng không.

    Phật như tánh hải nhất vị đồng nguyên sơ loan bào ảnh phù trầm sinh diệt hà tằng xuất một

    Đà la ni môn thiên trùng tế ngữ lục kinh sương đài tĩnh mặc viên âm na xứ đoạn thường

    Dưới ngọn bạch lạp, ánh nến lung linh lắng trầm không gian u tịch, bản thảo Góp Nhặt Thời Gian nằm bên cạnh như người bạn tri kỷ chia sẻ đời sống Đạo. Dẫu biết rằng cũng chẳng là gì, nhưng nhất ba tài động vạn ba tùy, ấy là sự thẩm thấu của lòng để hiến dâng tất cả.

    San Diego, ngày 22 tháng 04 năm 2014

    Nguyên Siêu

    TƯỞNG NIỆM

    Trưởng Lão Hòa Thượng

    Thượng TÂM hạ NHẪN

    tự HÀNH TỪ hiệu CHÍ TÍN Bổn Sư

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

    Kính bạch Giác Linh Thầy,

    Hôm nay, toàn thể môn đồ pháp quyến ở hải ngoại thành tâm thiết lễ Chung Thất của Thầy vào hai ngày 2 và 3 tháng 11 năm 2013, tại chùa Phật Đà, San Diego, California, Hoa Kỳ.

    Làm lễ Chung Thất của Thầy là cho chúng con được tưởng niệm lại những hành trạng của một thời, Thầy đã hiển bày đức tánh Từ Bi, Thầy đã gia công mật hạnh tu trì. Thầy sống cuộc đời dung dị. Thầy đã trải tấm lòng quý kính đến mọi người, để làm lợi ích cho tất cả.

    Hành trạng của Thầy là bài học sống động mà chúng con phải học theo. Học suốt cuộc hành trình tu tập, trong kiếp này và nhiều kiếp khác nữa.

    Thầy hiện thân vào đời như đóa sen hồng tinh khiết, không ô nhiễm bụi trần, không vương tục lụy. Thầy chỉ có tấm lòng vị tha làm chất liệu phụng sự, hiến dâng cho con người và muôn vật.

    Thầy sống như là nguồn sống cho muôn loài và Thầy ra đi trong giá trị tu chứng, an nhiên, tự tại. Thầy ra đi khi ngồi nơi chiếc xích đu. Thầy ra đi trong ý nghĩa siêu việt thật chứng - thâu thần thị tịch của bậc xuất trần thượng sĩ.

    Để từ đó lắng nghe:

    Một vầng mây bạc giữa trời,

    Đến đi như thể sương rơi đầu cành.

    Long Sơn chuông vọng năm canh,

    Thức hồn thảo mộc duyên lành kiếp sau.

    Một thoáng thương đau,

    Mất Thầy muôn thuở.

    Kiếp lai sinh chớm nở,

    Hạnh nguyện tương phùng.

    Hiển bày chân ngã thủy chung,

    Thầy về khép cửa cội tùng đầu non.

    Kính bạch Giác Linh Thầy,

    Hàng môn đồ pháp quyến chúng con, muốn ghi lại một vài hình ảnh kỷ niệm về Thầy, đôi lời tâm tình của một thời đã nghe Thầy dạy! Đã được Thầy khuyên! Tâm từ ái của Thầy, khuyến tấn, che chở quãng đời thơ ấu của chúng con, mà nay đã phải từ biệt Thầy, như từ biệt theo lẽ vô thường, có không, sinh diệt.

    Cuốn CD này kính gửi đến chư Tôn Đức Tăng Ni, và quý Phật tử như món quà lưu niệm trong tuần Chung Thất của Hòa Thượng Bổn Sư.

    Kính lạy Giác Linh Thầy thùy từ gia hộ cho chúng con:

    Đức Hạnh tu như Thầy.

    Lời nói tu như Thầy.

    Tâm từ tu như Thầy.

    Vị tha tu như Thầy.

    Và an nhiên tự tại như Thầy, như đám mây lành bềnh bồng giữa thế gian nhiều sắc không, danh tướng.

    Kính nguyện Thầy Thượng Phẩm Thượng Sanh.

    Tuần Chung Thất, ngày 03 tháng 11 năm 2013

    Môn Đồ Pháp Quyến,

    Đệ tử Thích Nguyên Siêu

    NHỚ LẠI ÂN XƯA

    Thành kính đảnh lễ Giác Linh

    Hòa Thượng Bổn Sư thùy từ chứng giám

    Đồi Trại Thủy ngày buồn đêm thảm

    Chùa Long Sơn ảm đạm màu tang

    Thầy về lại chốn Lạc Bang

    Đàn con trong cảnh bàng hoàng ngẩn ngơ.

    Nhớ Giác Linh xưa

    Từ thuở khai sơn

    Chùa tranh vách đất

    Nằm cạnh ven rừng

    Linh địa chốn Già Lam

    Rồi từ dạo đó

    Thầy nuôi chí xuất trần thượng sĩ

    Ngày muối dưa cơm hẩm thuở cơ hàn

    Sớm công phu Lăng Nghiêm năm đệ từng hàng

    Chiều bái sám mời nhân thiên câu hội.

    Phước duyên tích tụ làu làu

    Trí tánh ngần soi tỏ tỏ

    Hương thơm giới đức như vầng trăng soi ngõ

    Từng bước chân thành Thạch Trụ Tòng Lâm.

    Thầy không đi học

    Chữ nghĩa thế trần

    Làm loạn tâm tu mật hạnh

    Khẩu từ chân chánh

    Thân hiện oai nghi

    Giữ mình giới đức

    Bất khả tư nghì

    Sạch như băng tuyết lưu ly,

    Sáng ngời tâm Phật

    Lúc đứng khi đi

    Thầy là tàn cây đại thọ

    Rợp mát một đời Tăng Ni

    Kể từ thời Chùa xưa nho nhỏ

    Cạnh cây bồ đề xanh um hứng gió

    Thầy trồng từ thuở lên mười.

    Nhưng giờ đây

    Tàn cây bồ đề không còn nữa

    Thầy buồn một thuở ai hay?

    Sinh lòng thương xót

    Như đóa sen đầy

    Thầy cho hương thêm sắc

    Như bấy lâu nay.

    Người đi qua

    Kẻ ở lại

    Tâm Thầy luôn đong đầy.

    Mặc cho đời áo mão cân đai.

    Thầy luôn hiện tướng

    Chiếc áo tràng đà chỉ xỏ một tay

    Thầy ngồi nơi nhà Thiền

    Phật tử sum vầy

    Ngày Rằm mồng Một

    Mỗi tháng lưng đầy

    Có tịnh tài nuôi chúng Tăng ăn học.

    Mà chẳng lo chi cho Thầy

    Tay nải vơi đầy

    Cam tươi sữa ngọt

    Cỡi chiếc xe đạp đem ngay cho người

    Chẳng giữ trong tay

    Những gì Thầy có

    Thầy học hạnh buông xả

    Bềnh bồng như mây.

    Thầy đi tìm hang kiến

    Cho đồ ăn thật đầy

    Cơm nguội, bánh mì, đường cát

    Ấy là việc làm xưa nay.

    Thầy thương loài vật

    Thầy giúp người ngay

    Thầy làm Bồ Tát hạnh

    Trong cuộc đời này.

    Nhưng bạch Thầy!

    Thân Đại thọ đã ngả về Tây!

    Đàn con ríu rít xé cay nát lòng.

    Thầy đi như bóng thu không

    Hình hài ẩn hiện lối mòn quạnh hiu.

    Vách đá lưng trời

    Chùa xưa vắng bóng

    Bậc Ân sư muôn thuở nào phai.

    Lời vàng thước ngọc

    Thầy để lại hôm nay

    Cho nghìn sau

    Và mãi mãi nghìn sau

    Như tấm thân già tứ đại

    Hơn 30 năm ngày tháng qua

    Thầy ngồi nơi đó!

    Chiếc xích đu giờ như bỏ ngỏ.

    Thầy đã đi và đi mãi không về

    Đàn con buồn tái tê

    Giọt sầu rơi xuống trăng thề đầu non.

    Long Sơn! Long Sơn!

    Tên Chùa Thầy đặt

    Hôm nay vẫn còn

    Dựa lưng vào vách đá

    Trên đỉnh non ngự tọa Kim Thân.

    Tâm Thầy như áng phù vân,

    Đến đi chẳng buộc, ai vần chẳng lay.

    Chúng con ở lại chốn này

    Để học và học hạnh Thầy

    Nghìn sau vẫn học thân này dù tan.

    Kính nguyện Thầy Cao Đăng Thượng Phẩm

    Lễ Nhập Kim Quan 20/9/2013

    Đệ tử Nguyên Siêu

    Khấp Nguyện

    Hòa Thượng Bổn Sư

    thượng TÂM hạ NHẪN, hiệu CHÍ TÍN

    Trụ trì Sắc Tứ Long Sơn Tự

    Tỉnh Hội Nha Trang, Việt Nam

    Nhất tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng Bổn Sư,

    Con Nguyên Siêu, vừa được tin Thầy đã an nhiên thị tịch vào lúc 10 giờ tối ngày 19 tháng 9 năm 2013 tại Chùa Tỉnh Hội Nha Trang, Việt Nam.

    Từ Chùa Phật Đà, con chí thành hướng về Thầy, nhất tâm đảnh lễ Thầy 3 lạy, để nhớ lại những ngày nào Thầy đã dạy dỗ con trong thời 10 năm hành điệu dưới mái Chùa Tỉnh Hội Nha Trang.

    Những tưởng, ấp ủ trong lòng có một ngày nào con sẽ trở về để hầu Thầy trong lúc tuổi già, để nghe Thầy nói, để thấy Thầy làm, mà bắt chước làm theo hạnh nguyện Bồ Tát mà Thầy đã làm trong suốt thời gian gần một thế kỷ qua.

    Nào ngờ, giờ đây, Thầy đã về với Phật, cảnh Chùa Tỉnh Hội Nha Trang còn ai nấu cháo cho Chư Tăng! Còn ai bỏ bánh mì cho kiến! Còn ai mang tay nải chuối, túi cam xuống cho bệnh nhân Bệnh viện Toàn khoa Nha Trang, và còn ai in Kinh sách để cho mọi người?

    Hình ảnh dung dị, tánh đức khiêm cung, nhuần nhuyễn sống trọn vẹn hơn 50 năm với Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa Thượng Thích Đỗng Minh, người Pháp lữ bên cạnh Thầỵ. Thầy Đỗng Minh đi trước, con biết Thầy buồn. Buồn nhiều lắm. Thầy nói: 50 năm qua sống với Hòa Thượng Đỗng Minh, bây giờ Thầy ấy đi rồi, bỏ lại mình tôi.

    Thầy buồn! Chỉ ngồi trên ghế xích đu ngoài hành lang.

    Bây giờ, đến lượt Thầy ra đi, quả thật rất đau lòng, vì đó là nỗi mất mát quá to lớn đối với đời sống tâm linh của chúng con.

    Kính bạch Thầy,

    Con sẽ liên lạc với Thầy Minh Thông, Trí Viên, Nguyên Quang để biết Chương trình Tang Lễ của Thầy.

    Bạch Thầy, giờ con phải làm gì đây, trong khi Thầy nhẹ bước ra đi về với Phật? Con đang ngồi trong phòng để hồi tưởng, nhớ lại, nhớ lại tất cả những gì mà con đã học được từ Thầy.

    Thầy dạy con!

    Thầy nuôi con!

    Thầy cho con tất cả bằng tấm lòng từ bi của một đấng Cha lành, của một bậc Thầy cao thượng từ thuở sơ tâm xuất gia.

    Giờ thì đã qua một thời làm điệu.

    Con và quý Phật tử, đệ tử của Thầy, mà suốt mấy thập niên con làm lễ Quy y nhưng Bổn Sư là Thầy, sẽ thiết Lễ Tưởng Niệm và Thọ Tang vào ngày Chủ Nhật, 22 tháng 9 năm 2013 tới đây tại Chùa Phật Đà.

    Kính bạch Giác Linh Thầy,

    Con thành tâm đảnh lễ sám hối Thầy, chắc con không về được để hầu Kim quan và tiễn đưa Thầy vào Niết-bàn Vô dư tịch tịnh. Kính mong Thầy tha thứ cho con.

    Kính lạy Giác Linh Thầy thùy từ chứng giám.

    Chùa Phật Đà, ngày 19 tháng 9 năm 2013

    Con Nguyên Siêu

    HẦU THẦY VÀO CẢNH

    VÔ DƯ Niết-bàn

    Lễ Cung Tống Kim Quan Hòa Thượng Bổn Sư

    Thích Tâm Nhẫn hiệu Chí Tín

    Nhập Bảo Tháp, ngày 26 tháng 9 năm 2013

    Thành kính đảnh lễ Giác Linh

    Hòa Thượng Bổn Sư thùy từ chứng giám

    Con kính lạy Giác Linh Thầy tha thiết

    Tiễn đưa Thầy cách biệt sơn khê

    Ngọn đồi Trại Thủy trăng thề

    Sớm đưa gió thoảng chiều quê sương chùng

    Chùa Long Sơn chấn động

    Đồi Trại Thủy bồi hồi

    Thầy đi cách biệt xa xôi

    Trong giờ nhập Tháp xẻ đôi cõi lòng

    7:00 giờ sáng nay, Lễ Cung Tống Kim Quan Thầy nhập Bảo Tháp, trên đồi Trại Thủy, sau cốc Ôn Trí Nghiêm.

    Quý Ôn Trí Nghiêm, Ôn Trừng San, Ôn Đỗng Minh đều nhập Bảo Tháp nơi đây. Ngẫm ra, chốn này lại là nơi dừng chân hóa độ khi công viên quả mãn của chư vị Thạch Trụ Tòng Lâm tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang.

    Có lẽ tỉnh Khánh Hòa hiền lành như ý nghĩa và tên gọi của nó, cho nên quý Ôn từ phương xa về làm Phật sự và dừng chân luôn ở nơi này, dưới mái chùa Long Sơn từ thuở khai sơn, khi còn là ngôi chùa làng bé nhỏ.

    Ôn Trí Nghiêm người tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa. Ôn Đỗng Minh người Bình Định, Quy Nhơn. Ôn Trừng San, tuy là người địa phương nhưng ở trên thành, Diên Khánh, và Thầy từ Huế vào. Vì nhân duyên hóa độ mà Thầy dừng chân lại nơi này, từ thuở làm điệu, sơ tâm xuất gia cho đến ngày thành bậc Trưởng Lão Hòa Thượng. Thầy sống nơi đây và cũng viên tịch nơi đây. Cũng như Quý Ôn từ thời trước đến nay, quý Ôn, quý Thầy dừng chân đứng lại dưới mái chùa Long Sơn. Cốc Tre Vàng của Ôn Đỗng Minh. Am Mây Bạc của Ôn Trí Nghiêm. Cốc Bình Minh của Ôn Giải An. Ngay cả Ôn Đức Minh cũng thế. Người tứ xứ đến ở mảnh đất an lành Khánh Hòa làm nên Phật sự. Ngay cả Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang cũng vậy.

    Khánh Hòa đất lành, người hiền, hiếu khách nên mời gọi, tiếp đón tất cả - Đất lành chim đậu - như xứ Trầm Hương, lời của nhà thơ Quách Tấn, hay Hoa Khế Lưng Đồi, nhà văn Võ Hồng diễn tả. Địa linh thì có nhân kiệt. Đất của Già Lam, Phạm Vũ nên có Thánh Tăng, Bồ Tát ẩn tu.

    Đất Khánh Hòa un đúc khí thiêng vượng tú mà sinh ra Bồ Tát Thích Quảng Đức thời đó. Chừng ấy không thôi cũng đủ thấy được rằng đạo Phật ở tỉnh Khánh Hòa thấm sâu vào nếp sống tâm linh người dân, Phật tử nhuần nhuyễn để cùng làm lợi ích cho đời cho đạo, nên các bậc hóa thân Bồ Tát, Tổ Đức Thiện gia mới tùy duyên trú ngụ để hành Phật sự trên mảnh đất ven bờ biển xanh, cát trắng, thường được gọi là miền Thùy Dương cát trắng nên thơ.

    Kính Bạch Giác Linh Thầy,

    Nhớ khi xưa, thuở còn làm điệu, Thầy cho con đi học với chú Câu, chú Chinh, chú Hảo, chú Bình, chú Hường... nhưng vì chúng điệu đông, không đủ phòng ốc nên đêm đêm các chú ôm chăn mùng, chiếu gối lên chánh điện chùa ngơi nghỉ.

    Thời gian cứ thế trôi qua, ngày ngày ăn cơm bằng cà-mèn do bà Ba, bà Cà nấu, quét rác, tưới cây, đi học mà lớn dần theo năm tháng bên cạnh Thầy, cạnh người Cha hiền lành, bình dị, mộc mạc, đơn sơ.

    Nhớ lại thời Pháp nạn 1963, trước cửa chùa, nơi tam cấp đi xuống, tầng trên là bàn thờ của chư Tôn Đức Tăng Ni, Phật tử đã vị pháp thiêu thân, đã hy sinh trong pháp nạn. Thầy đã cùng quý Ôn lo mọi chuyện, cơm ăn, nước uống và nhiều Phật sự khác nữa. Khi ấy con cũng nhỏ như các chú điệu khác có biết gì đâu.

    Giờ đây, hồi tưởng lại những gì đã có trong thời của Thầy và quý Ôn thì nay không còn nữa, tất cả đều ra đi.

    Cả một thế hệ quý Ôn thuở ấy, giờ chẳng còn mấy ai, người mất quá nhiều, không làm sao bù đắp kịp.

    Thầy lo Phật sự, Thầy làm việc người, Thầy chăm sóc từ con ong cái kiến, dường như chẳng từ nan việc gì. Thầy không giặt áo, Thầy chẳng phơi y. Việc tự thân Thầy cũng chẳng nhờ. Cứ mỗi lần con vào nhà Thiền, nơi Thầy tiếp khách với cái giường nhỏ Thầy ngồi nơi đó. Chung quanh, từ trên xuống dưới có đủ mọi thứ. Thầy đã không cho con dọn phòng, mà còn nói: Đồ dùng để đó, ai tới xin thì mình có sẵn cho họ, khỏi mất công tìm kiếm.

    Chai dầu cạo gió, hộp bánh bích quy, sữa bột trẻ con, tiền lẻ... Bề bộn vật dụng để dành sẵn cho người cần. Hạnh của Thầy là thế đó, giống như Hàn San, Thập Đắc hai vị Bồ Tát tu hạnh đầu đà, ăn cơm thừa canh cặn của chúng Tăng, tối kéo nhau vào xó bếp ngủ.

    Nhìn chiếc xích đu bên hiên chùa, nơi Thầy ngồi hơn ba mươi năm qua thì mọi người cũng thấu hiểu vật dụng thường ngày của Thầy là những gì rồi. Nếp sống đơn giản, không lệ thuộc vào vật chất bề ngoài, chỉ với chiếc áo tràng đà mỗi khi Thầy bước chân xuống tam cấp nhà Thiền, đi ra sân trước, bách bộ quanh chùa, lên cốc Ôn Trí Nghiêm, Ôn Đỗng Minh mới mặc. Nhưng điều đặc biệt là Thầy chỉ mặc có một tay trái, còn tay áo bên phải buông thõng, chẳng xỏ tay vào, ngoại trừ khi lễ lạt, tiếp khách hoặc đi ra ngoài, xuống phố thăm nuôi bệnh nhân và đám sám.

    Con liên tưởng đến chư vị hóa thân Bồ Tát, Thiền Sư nghịch hạnh có lắm chuyện kỳ đặc, nghịch đời mà có lẽ Thầy là một trong những vị Bồ Tát kỳ đặc, nghịch đời ấy. Kỳ đặc, nghịch đời ở chỗ, mặc dù quanh năm suốt tháng Thầy chẳng tắm, y hậu, áo quần chẳng giặt, chẳng phơi, ấy vậy mà chẳng có mùi hôi. Phải chăng Thầy thuộc hàng nội bí Thanh văn, ngoại hiện Bồ Tát, nên những thứ phàm tình chúng sinh ấy đều biến mất. Để rồi hôm nay, bao người nghĩ về Thầy, viết về Thầy, nói về Thầy cũng có cùng nhận xét giống như con. Ai ai khi nhắc đến Thầy cũng đều cảm nhận được nếp sống dung dị, đơn sơ của Thầy, người chỉ biết lo cho tha nhân mà quên cả thân mình. Một đời sống phạm hạnh của bậc Thánh giả. Nhưng bạch Thầy, Thầy là bậc Thánh giả đến không vướng mắc, đi chẳng câu nệ có không, mất còn, nhưng chúng con chưa có được tâm an nhiên, tự tại như Thầy.

    Giờ này, chỉ còn chiếc xích đu trơ trọi bên thềm chùa, không còn bóng dáng Thầy ngồi đó như ngày nào. Không có Thầy để tiếp quý Thầy, quý Phật tử nơi ấy nữa, để cho mỗi người một xâu chuỗi, một quyển kinh, một bức hình Kim Thân Phật Tổ, hay tấm hình cảnh chùa Long sơn... Nghĩ đến đây lòng con quặn thắt, bồi hồi.

    Kính bạch Thầy,

    Chỉ cần nhìn thấy Thầy còn ngồi nơi chiếc ghế xích đu ấy, không làm gì hết, nhưng ấy là linh hồn, là sức sống linh thiêng, mầu nhiệm của chùa Long Sơn, của bao thế hệ người đã qua và còn bao thế hệ người sau sẽ đến.

    Thầy ngồi nơi chiếc xích đu, thời gian như một nửa đời người, trông như bóng Cha già che chở cho đàn con. Như cội tùng cổ thụ sớm che nắng, chiều hứng mưa cho bao loài chim muông, cỏ cây tươi thắm. Chiếc ghế xích đu ấy giờ chắc cũng buồn lắm, biết có ai còn để ý đến nó không? Chiếc ghế xích đu mất Thầy như chúng con đã mất Thầy. Chỉ mong có người lưu tâm đến nó, cất giữ lại nơi ấy như một bảo vật, để kỷ niệm như bảo tòa Kim Cang, Thầy đã ngồi để hành Bồ Tát hạnh.

    Ngày xưa, Đức Thế Tôn ngồi trên bảo tòa Kim Cang dưới cội Bồ Đề mà thành đạo. Bây giờ Thầy ngồi trên ghế xích đu mà thị tịch, thật bất khả tư nghì hạnh nguyện của bậc Đại sĩ.

    Mỗi lần nhìn Thầy trong bức hình thờ nơi phòng làm việc của con, nhìn thấy đôi chân mày quắc thước, dài rậm, bạc trắng, con thấy hiền từ như tiên ông. Nhưng Thầy là bậc Đạo sư chứ không phải tiên ông, Thầy đeo nơi cổ xâu chuỗi 108 hạt, và thêm xâu chuỗi 18 hạt cầm trên đôi tay chắp lại. Thấy Thầy như thấy Phật chung quanh Thầy, từ cổ đến tay, đâu đâu cũng là Phật.

    Sáng nay, trên chánh điện chùa Long Sơn hương trầm lan tỏa, hòa quyện vào vách chùa, mái chùa, ngàn cây, kẽ lá, vào lòng người, như muốn lưu lại hình ảnh Thầy. Từng bước chân của Thầy, từng lời nói của Thầy, từng hình bóng của Thầy như tô sâu, in đậm nơi đây, nơi chiếc ghế nhà Thiền, nơi gối quỳ chánh điện, nơi Trai đường với chư Tăng và nơi in dấu cuối cùng của chiếc xích đu lẻ bạn. Ấy là ước muốn của con người, của sự vật, nhưng giờ đã đến ba hồi chuông trống Bát-nhã trầm hùng, thanh thoát tiễn đưa Thầy vào cõi Vô dư.

    Trước sân chùa, nơi tôn trí Kim quan Thầy, hàng ngàn chư Tăng Ni, Y hậu chỉnh tề, trang nghiêm chắp tay thành kính. Hàng hàng lớp lớp đệ tử tại gia cũng như Gia Đình Phật Tử... lắng tâm mật niệm bái biệt Thầy, trong nỗi đau của người con mất Cha. Lư trầm, hương án, bê, tích, lọng... có Tứ Thiên Vương che lọng hầu Thầy. Đoàn âm công thỉnh Kim Quan Thầy lên vai, bắt đầu lên dốc đồi Trại Thủy.

    Cũng con đường mòn ấy. Cũng những cây xanh, lá hoa núi rừng ấy, nhưng sáng hôm nay, cảnh vật như quạnh hiu, buồn thảm, héo sầu... như thấy mất mát một cái gì quá to lớn mà gần một thế kỷ qua đã có ở nơi đây. Có những con đường mòn lên xuống, những khóm trúc, bụi tre, những giàn thanh long, những hàng phượng vĩ, những vách đá sau chùa. Có tất cả, được xông ướp hình bóng Thầy như hương sen ngào ngạt.

    Núi rừng đồi Trại Thủy

    Chìm lẳng lặng miên man

    Vách chùa rưng rưng khóc

    Sân chùa giọt lệ tràn.

    Ngàn người tiễn đưa, và hàng ngàn người cúi đầu thầm niệm Nam Mô... Cánh cửa Bảo Tháp vừa mở ra, Kim quan Thầy được tôn trí nơi đó, giữa cảnh núi rừng tịch mịch, cây cao bóng cả, rợp mát đất trời, thiên nhiên mầu nhiệm.

    Câu niệm Phật cuối cùng: Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

    Thầy Thượng Phẩm Thượng Sanh.

    Cánh cửa Bảo Tháp khép lại. Thầy nằm bất động thiên thu giữa núi rừng trăng sao, sương đêm và gió sớm.

    Đây chỉ là nhục thân tứ đại của Thầy, còn Giác Tánh trạm nhiên, tinh minh đổng triệt thì đã trở về Pháp thân, chân như. Thầy tiếp tục con đường hóa độ chúng sinh.

    Di ảnh Thầy thờ sau Hậu tổ, mọi người đều đã ra về.

    Cảnh chùa vắng lặng!

    Một cảm giác trống vắng lạnh lùng, bâng khuâng, thiếu thốn...

    Mất Thầy như mất cả hình ảnh từ hòa, dung dị. Mất cả tấm lòng từ bi, chăm sóc, yêu thương.

    Con ngồi đây nghĩ về Thầy, về một cảnh đời 50 năm qua, giờ như bóng câu qua cửa sổ. Bao lớp người trước đã đi qua, bao lớp người sau rồi lại đến. Những tiếp nối vô cùng của cuộc tử sinh.

    Ba tiếng chuông gia trì nhẹ nhàng, trầm ấm, quỳ trước di ảnh Thầy, dâng nén hương, nhất tâm cầu nguyện để hầu Thầy vào cảnh Vô Dư Niết-bàn.

    Kính nguyện Thầy Cao Đăng Phật Quốc.

    Chùa Phật Đà, ngày 26 tháng 9 năm 2013

    Đệ tử Thích Nguyên Siêu

    MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA

    Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm

    Ôn đi trong cõi vô thường

    Niết-bàn tịch tịnh mười phương gót hài

    Chiều nay một thoáng mây bay

    Khánh Anh thầm lặng tiễn Thầy cao đăng

    N

    úi rừng Phần Lan chạy dọc hai bên xa lộ xanh tươi, ấm áp. Thời tiết Phần Lan mùa này mát mẻ, dễ chịu. Thỉnh thoảng có những cơn mưa nhẹ, chỉ đủ ướt lá hoa và rửa sạch bụi đường. Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ 25 năm nay được tổ chức tại Turku, Phần Lan, một quốc gia xứ Bắc Âu.

    Cũng như các năm trước, Hòa Thượng đã viết Thông tư, Thông báo số 1, số 2, số 3... kêu gọi học viên Phật tử tham gia tu học, đóng góp tịnh tài, cúng dường gạo... cũng như các phương tiện cần thiết đầy đủ. Tuy nhiên, năm nay có phần hơi khó khăn, vì đường về Khóa Tu - Phần Lan - hơi xa, phương tiện đưa đón không mấy thuận tiện, có đôi chút không dễ dàng. Hòa Thượng gọi điện thoại nói chuyện nhiều lần với chư Tăng ở Hoa Kỳ, quý Thầy cố gắng qua yểm trợ. Nghe giọng nói Ngài vẫn khỏe, vẫn tươi cười và lắm khi còn pha trò cho vui nữa. Cho đến khi gặp Hòa Thượng nơi Khóa Tu tại Turku, Phần Lan. Mặc dù Hòa Thượng hơi gầy đi, nhưng vẫn có đủ phong độ của bậc Tôn túc. Người lãnh đạo không bao giờ biết mỏi mệt.

    Hai mươi lăm năm xả thân cho Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu. Hơn 40 năm lãnh đạo Giáo Hội. Suốt một đời hoằng pháp từ Việt Nam, tới Nhật Bổn rồi cả một trời Tây, các châu lục Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại... mặc dù đời sống vật chất ăn uống kham khổ, nhưng tinh thần thì dường như có một mãnh lực nào đó nung nấu, như hạnh nguyện của bậc xuất trần thượng sĩ.

    Hòa Thượng luôn là người tiên phong trước lằn tên mũi đạn để hứng chịu mọi xung kích, thế lực của cuộc đời. Đây là hình ảnh như lời dạy của đức Phật trong Kinh Pháp Cú:

    Ta phải có thái độ như đàn voi lâm trận, mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác. Bình tĩnh hứng lấy những nỗi nhọc nhằn, chua cay của cuộc đời và thản nhiên vững bước trên đường phẩm hạnh.

    Hòa Thượng là vậy đó.

    Dưới vòm trời Âu, một thân mang giáp nhẫn nhục, đơn đao trực nhập vào một quê hương được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, vào nền văn minh triết học, tư tưởng của thời đại, của thi hào, thi bá phương Tây. Dù xứ lạ quê người, Hòa Thượng đã hóa thân vào quê người. Dù ngôn ngữ dị biệt, văn hóa dị biệt, tập quán dị biệt, Hòa Thượng vo tròn vào nền văn hóa giác ngộ của đạo Phật, để chuyển bánh xe Pháp nơi xứ người, ăn sâu mọc rễ trên mảnh đất mới.

    Trên bản nguyện độ sinh, Hòa Thượng đã phương tiện thiện xảo mọi mặt, làm cho Phật pháp được thấm nhuần vào lòng người, là hương giải thoát làm tươi thắm mọi tâm hồn của người Việt tị nạn nơi đây. Từ những buổi lễ cầu an, cầu siêu, Vu Lan, Phật Đản... Hòa Thượng luôn giảng dạy bổn phận, trách nhiệm của người Phật tử Việt Nam, gìn giữ đạo Phật Việt Nam, để nhớ ơn đền ơn chư vị Lịch Đại Tổ Sư hơn hai ngàn năm qua. Một dòng lịch sử đạo pháp mang tính thời gian có đủ để khẳng định tuổi thọ của mình đối với dân tộc Việt Nam.

    Hòa Thượng thâu nhận đệ tử xuất gia, tại gia làm kế nghiệp, truyền thừa công hạnh cho nhiều đời sau. Do vậy, trong những Khóa Tu Học Phật pháp Âu Châu, không những mở ra cho thế hệ lớn tuổi mà còn chú tâm đến thế hệ kế thừa - thanh thiếu niên - cho đoàn viên tổ chức Gia Đình Phật Tử. Ấy là hạnh nguyện Phổ Hiền, mang hành trạng vào đời hóa độ. Về mặt tinh thần, 25 Khóa Học Phật Pháp Âu Châu, một phần tư thế kỷ, đủ để thấy sự trì chí, lòng dũng mãnh, chịu đựng không mệt mỏi. Về mặt vật chất, cơ ngơi sự nghiệp, Hòa Thượng khởi sự công trình xây dựng ngôi chùa Khánh Anh mới tại Evry lên đến hàng chục triệu Euro. Nhưng nếu có dịp ghé thăm chùa Khánh Anh cũ sẽ thấy những người đệ tử của Hòa Thượng ở nơi đây bận rộn luôn tay, người bắt bánh bao, người chiên chả giò, người kho đậu hũ... bán thức ăn chay để có tịnh tài xây cất chùa. Dành dụm từ năm này qua năm khác, tất cả đều để cho ngôi Tam Bảo Khánh Anh được thành tựu viên mãn.

    Nhưng hôm nay, ngôi chùa chưa hoàn tất, dự kiến của Hòa Thượng là năm 2014, 2015 mới tổ chức lễ khánh thành. Quả thật, sức người có hạn, lực bất tòng tâm mà Phật sự thì vô cùng.

    Là người thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm giữa biển cả sóng gió muôn trùng, giữ cho con thuyền được cập bến bình an. Là người lãnh đạo Giáo Hội bền gan, vững chí, Hòa Thượng đã vững tâm bước qua bao gian nan thử thách của cuộc đời để Giáo Hội được vững vàng, để chư Tôn Đức trong Hội Đồng Điều Hành có đủ niềm tin mà chu toàn Phật sự, trên thuận, dưới hòa, chung lưng đấu cật để cùng nhau chu toàn trách nhiệm của mình. Nhờ vậy mà quý Thầy thương Hòa Thượng nhiều vô kể, thương sức già không quản ngại lao lung, thương tấm lòng hy sinh không tính toán, so đo. Thương việc chung mà không hề có ý riêng tư, nhân ngã. Một người Cha già quý kính. Một bậc lãnh đạo tài ba đáng mến mộ. Một bậc Thạch trụ Thiền gia mẫu mực. Một Tượng Vương giữa chốn rừng Thiền. Một vị Tăng khả kính đáng bậc Chúng Trung Tôn... Một con người vượt trội giữa xã hội người. Để từ đó, Hòa Thượng được chư Tôn Đức Tăng Ni hải ngoại cung thỉnh lên ngôi vị Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại. Một ngôi vị mà trách nhiệm là như trong Tam Tự Quy Y đã nói: Quy y Tăng, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. Ai là người có khả năng thống lý đại chúng? Chỉ có bậc Thật Đức, lòng luôn rỗng không, không bên trọng, không bên khinh, bình đẳng, hóa thân vào người để hiểu người, mới có thể có được khả năng ấy. Hòa Thượng là vị Trưởng Môn Phái Liễu Quán, quy tụ huynh đệ lại với nhau. Trong không khí ngày Giỗ Tổ, Hòa Thượng là chất keo hội tụ... là hình ảnh của người Cha, của bậc đàn anh khả kính. Đối với Hòa Thượng, còn nhiều ngôi vị vô ngôn, không lời diễn đạt. Vì hạnh nguyện nhập thế độ đời của Hòa Thượng không thể dùng ngôn ngữ thế gian mà diễn tả. Dùng ý nghĩ để tư duy, tất cả đều đối đãi. Chỉ có mặc nhiên như thị mới xứng với hạnh nguyện hóa độ của Ngài. Do vậy, hôm nay Hòa Thượng có ra đi hay ở lại với tứ chúng thì cũng chỉ là nhất niệm sai thù, riêng Pháp thân của Hòa Thượng thì vẫn như nhiên bất động. Tuy nhiên, giữa chốn trần lao, lòng người mộng tưởng. Tưởng cái tưởng của mộng. Mộng cái mộng giữa cảnh trần gian, nên gió nghiệp lao xao, chao động muôn trùng.

    Thôi thì tùy thuận chúng sinh mà Hòa Thượng vui lòng nghe đôi dòng thi kệ:

    Paris buồn! Nơi đâu buồn hơn nữa?

    Khánh Anh chờ! Buông thõng cánh tay mong.

    Hóa thân một kiếp phù trầm,

    Ngàn năm dâu bể, trăng trong[1] giữa trời.

    Hòa Thượng nhẹ gót ra đi khi công viên quả mãn. Nhưng, những người ở lại phải tính sao đây? Nhiều Phật sự ở trời Âu, ai là người thay thế? Ngôi Tam Bảo Khánh Anh ai là người trông coi? Ngó trước trông sau trống vắng. Mịt mờ trời thảm đất sầu cho cuộc thế vô thường, thiên lưu thiên biến.

    Kính lạy Giác Linh Hòa Thượng chứng tri.

    San Diego, chùa Phật Đà, 16 tháng 08 năm 2013

    Kính Bái,

    Nguyên Siêu

    Bồ Tát THÍCH QUẢNG ĐỨC

    NGỌN LỬA TỪ BI VÀ TRÁI TIM BẤT DIỆT

    Ngày về Nguồn Lần Thứ VII - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư

    Từ 27 tháng 9 đến 29 tháng 9, 2013

    Chùa Cổ Lâm, Seattle, tiểu bang Washington

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

    Kính bạch chư Tôn Đức Tăng-già,

    Kính thưa chư vị thiện hữu tri thức,

    Lễ hiệp kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ VII, được tổ chức tại chùa Cổ Lâm, Seattle, tiểu bang Washington, đông đảo chư Tôn Đức Tăng Ni và thính chúng đã hoan hỷ câu hội trong tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám như Luật dạy, cũng như y pháp hòa kính, cộng trú mà hành Phật sự khắp mọi miền trên các quốc gia - châu lục, cũng như giữ gìn và phát huy bản thể của Tăng già để làm điểm tựa sức sống trên bản nguyện thượng cầu hạ hóa.

    Hôm nay trên tinh thần đó, chúng ta hãy chiêm nghiệm lại hành trạng và tinh thần tu chứng của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Một con người bằng xương, bằng thịt, nhưng đã tích lũy công đức tu hành để có trái tim bằng kim cương bất hoại, được đốt cháy bằng ngọn lửa Từ Bi, trong ý thức bảo tồn, thăng hoa cuộc sống công bằng, bình đẳng và nhân bản.

    I. Thân Thế Và Hạnh Nguyện Tu Trì

    BỒ TÁT THÍCH QUẢNG Đức pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Từ thuở nhỏ, ngài xuất gia với Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm, là bổn sư và cũng là cậu ruột. Ngài được Hòa Thượng nhận làm con nuôi nên đặt tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm 15 tuổi, ngài thọ Sa Di, năm 20 tuổi thọ Cụ túc giới.

    Sau khi thọ giới xong, ngài vân du hóa độ. Ngài đã ẩn tu trong núi trọn 3 năm tại Ninh Hòa cho đến ngày hoàn mãn. Ngài đến Nha Trang cũng như các vùng phụ cận, từng bước chân hóa duyên, một mình bằng hạnh đầu đà rày đây mai đó để làm điểm tựa và xây dựng niềm tin Phật Pháp kiên cố cho người Phật tử cư sĩ tại gia.

    Vào năm 1932, khi Hội An Nam Phật Học ra đời, quý Ngài đã cung thỉnh Bồ Tát trong ngôi vị chứng minh Đạo sư cho Chi Hội Phật Giáo Ninh Hòa và sau đó kiêm nhiệm vai trò Kiểm Tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian làm Phật sự, hoằng pháp lợi sanh các tỉnh miền Trung, Bồ Tát đã kiến tạo hoặc trùng hưng tất cả là 14 ngôi tự viện.

    Công đức tu hành và nhân duyên hóa độ tùy duyên, năm 1934, Bồ Tát rời miền Trung để vào miền Nam tiếp tục trên con đường hoằng dương Phật pháp nơi đây. Bồ Tát đã làm Phật sự khắp miền Nam Việt Nam. Nơi nào có nhân duyên giáo hóa, Bồ Tát đều hóa thân phụng sự mà không phân biệt, vô thưởng, vô cầu. Do vậy, Bồ Tát cũng đã đến Campuchia để tham vấn, nghiên cứu kinh điển Pali thuộc hệ phái Theravada. Con đường hoằng dương Chánh pháp từ lúc thiếu thời ở miền Trung nước Việt, Bồ Tát đã hoàn thành sứ mạng của bậc chân tu thạc đức như thế nào thì vào miền Nam Việt Nam Bồ Tát vẫn đi trên con đường kiến lập đạo tràng, trùng hưng tự viện như thế ấy. Do đó, nơi đây Bồ Tát đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi Chùa. Tổng cộng tất cả ở hai miền Trung, Nam là 31 ngôi Già Lam hiện còn. Ngôi chùa cuối cùng Bồ Tát trụ trì là chùa Quán Thế Âm, địa chỉ: 68 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, Gia Định. Nay đổi lại theo hiệu của Bồ Tát là Thích Quảng Đức.

    Vào ngày 20 tháng 4 nhuần, Quý Mão, nhằm ngày 11 tháng 6 năm 1963, trong cuộc đấu tranh của Phật Giáo nhằm đòi hỏi công lý, lẽ phải và bình đẳng tôn giáo, Bồ Tát đã nhận thấy được đâu là Chánh pháp, đâu là thế lực vô minh tham vọng, bá quyền, Bồ Tát đã phát nguyện thiêu thân để bảo tồn Chánh pháp, để soi sáng lương tâm, lương tri chế độ đương thời. Tu hạnh Bồ Tát nên ngài đã thể hiện tâm nguyện bằng hành động của con đường Bồ Tát, tự tẩm xăng ướt hết mấy lớp y hậu, rồi thiền tọa tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, giữa hàng hàng lớp lớp chư Tôn Đức Tăng Ni, công an, cảnh sát, tự tay bật lửa thiêu thân.

    Từ tinh thần Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi, đốt thân mình làm ngọn đuốc thiêng soi sáng lương tri nhân loại, rồi cũng bằng tinh thần Đại Xả, Đại Hạnh, Đại Nguyện, Bồ Tát đã khuyến tấn bằng lời nói Từ Bi vô phân biệt: ‘‘Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái, Từ Bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng Tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở... Tôi tha thiết kêu gọi chư Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật Tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật Giáo."

    II. Ngọn Đuốc Thiêng Được Đốt Lên Bằng Định Lực Và Tâm Nguyện

    TRƯỚC TÌNH HUỐNG DẦU sôi lửa bỏng, chư Tôn Đức Tăng Ni bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt, ngày càng nghiệt ngã. Các ngôi chùa miền Trung - Huế, đến Ấn Quang, Xá Lợi, Sài Gòn, đâu đâu cũng đầy màu tang tóc. Tiếng gào thét, lời rên xiết kêu la trong những trận tấn công của chính quyền bằng dùi cui, mã tấu, lựu đạn đến chư Tăng Ni, Phật tử, sinh viên, học sinh. Hình ảnh ấy in sâu vào tâm thức của Bồ Tát. Cái gì đến thì phải đến, đến bằng hạnh nguyện Từ Bi cứu khổ độ đời, đến bằng Đại Hạnh Phổ Hiền, bằng Đại Bi Quán Âm, bằng Đại Nguyện Địa Tạng Bồ Tát. Nơi chánh điện chùa Ấn Quang, Bồ Tát nhất tâm thọ trì Kinh Pháp Hoa để giữ tâm được tươi mát và kiên định ước nguyện được viên mãn. Bồ Tát lên chánh điện chùa Ấn Quang trong giờ tịnh độ, khóa lễ xong, Phật tử ra về, khi ấy Bồ Tát nói với Thầy Huệ Thới và Thầy Đức Niệm:

    "Vì đại chúng, tôi xin hiến thân giả huyễn để cho pháp nạn được giải thoát. Ngày mai này tôi sẽ từ giã cõi đời, hẹn gặp hai Thầy ở cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Sau khi tôi tự thiêu để hiến dâng cho Phật Pháp, xin các Thầy lưu ý, vì tôi không thể trực tiếp nói với các vị lãnh đạo:

    - Thứ nhất: Sau khi thân tôi thiêu thành tro bụi sẽ lưu lại trái tim cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Đạo pháp và đó cũng là thành quả tu hành của tôi.

    - Thứ hai: Khi tôi thiêu, nếu tôi chết trong tư thế nằm ngửa thì nguyện vọng Phật Giáo sẽ thành công, các Thầy cứ tiếp tục tranh đấu. Ngược lại nếu tôi chết nằm sấp thì các Thầy nên tìm cách đi ra các nước Miên, Lào, Thái... để mà tu, nguyện vọng tranh đấu của Phật Giáo không thành.

    - Thứ ba: Ngày di quan của tôi, nếu quý Thầy có cảm thấy triệu chứng gì là lạ, có thể là ngủ mộng thấy, có thể là cảm giác hay triệu chứng gì khác thì nên đình chỉ ngay, dời việc di quan sang ngày khác."

    Ba điều mà Bồ Tát Thích Quảng Đức cho biết trước hôm tự thiêu đã được chứng minh. Đó là:

    - Thứ nhất: Bồ Tát tự thiêu xương thịt cháy hết chỉ còn trái tim, dù đốt với sức nóng lên đến 4.000 độ mà không cháy.

    - Thứ hai: Thân Bồ Tát ngã xuống và nằm ngửa, tư thế viên tịch đúng như lời Bồ Tát nói trước với hai Thầy Huệ Thới và Đức Niệm.

    - Thứ ba: Giờ di quan, đồng bào Phật tử nhận được thông báo của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Buổi trưa hôm ấy, Phật tử thấy một số người mặc sắc phục đen từ những bờ ruộng đi lên, gỡ những quả mìn đã đặt từ lúc nào trên đường dẫn đến lò thiêu An Dưỡng Địa.

    Từ những lời nguyện sắt son vì Phật pháp mà Bồ Tát đã biết trước những gì sẽ xảy ra đúng như tâm nguyện của mình mà nói trước cho quý Thầy nghe để chứng minh lời nguyền sắt son ấy. Đồng thời nhờ định lực mà Bồ Tát đã chuyển nghiệp chung của Phật Giáo đồ Việt Nam từ sự nguy nan thành bình an, lợi lạc. Và nhất là Bồ Tát đã để lại Trái Tim Bất Diệt để chứng minh một cách hùng hồn trên tinh thần tu tập Tam Vô Lậu Học, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ, để đi thẳng vào lòng người mà hóa giải mọi sự phân tranh, oán ghét. Ngọn lửa Từ Bi và Trái Tim Bất Diệt của Bồ Tát đã thu hút hàng tỷ người trên thế giới theo dõi, dù là Phật tử hay không phải Phật tử. Ai ai cũng đều đồng ý rằng, một chế độ bạo tàn phi nhân không thể tồn tại trước lẽ phải và sự thật. Đây là một bài học chung cho mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, hãy lấy đó mà chiêm nghiệm cho bản thân để hành xử đúng thì tồn tại mà hành xử sai sẽ chịu diệt vong.

    III. Những Nguồn Tin Và Nhận Định Chung

    - Thứ nhất: Ký giả Nữu Ước Thời Báo (New York Times) David Halberstam đã tường thuật một cách ngạc nhiên và kính nể: Tôi đã được thấy cảnh tượng ấy, nhưng chỉ một lần đã quá đủ. Lửa phủ khắp người, thân từ từ khô lại, đầu cháy nám, không khí đầy mùi khét thịt, thân hình ngài chìm trong lửa đỏ thật đáng kinh ngạc. Phía sau tôi có thể nghe tiếng khóc của những người đang đứng vây quanh và một số khác lần lượt kéo đến. Tôi quá xúc động, khóc không thành tiếng, quá bàng hoàng để ghi chép hoặc hỏi vài câu, quá bối rối để suy nghĩ... Chìm trong biển lửa nhưng ngài vẫn bất động, thịt gân không nhúc nhích, không một tiếng rên la, thân ngã xuống, những người đứng xung quanh òa khóc.[2]

    - Thứ hai: Trên báo New York Times và Washington Post... ký giả kiêm nhiếp ảnh gia Malcolm W. Broure viết: Những bức hình mà tôi chụp về cái chết của Hòa thượng Quảng Đức đã trở thành một vật sở hữu chung được người ta gởi đi khắp cùng thế giới. Những bức hình đó mang nhiều ý nghĩa tùy theo cái nhìn và mục đích sử dụng của mỗi người.

    - Thứ ba: Báo Le Monde, Pháp nhận định: Trước hành động tự thiêu để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước.

    - Thứ tư: Báo Journal de Geneve tại Thụy Sĩ viết: Người ta có thể tuyên truyền rằng đó chỉ là cuộc nổi loạn của phe đa số khắc khổ kiếm chuyện, vì chính phủ chỉ là một thiểu số bó kết chặt chẽ với nhau mà bộ tịch lại vênh váo và cứng nhắc. Nhưng việc phải hy sinh vì Chánh pháp của Hòa Thượng Thích Quảng Đức lại cho thấy rằng Phật Giáo Việt Nam đang phải bảo vệ nếp sống và tư tưởng của họ.

    - Thứ năm: Tôi[3] có người quen ở Orange County cho biết, cách đây gần hai mươi năm, ông Ngô Đình Trác, con trai của bà Ngô Đình Nhu ở tại Pháp, cùng với nhà thơ Du Tử Lê đến chùa Việt Nam, Los Angeles, California, lúc 2 giờ khuya để gặp Hòa Thượng Thích Mãn Giác. Hòa Thượng tiếp đón vui vẻ. Sau khi thắp hương và lễ Phật, Ông Ngô Đình Trác thưa rằng: Mạ con biểu con qua gặp Hòa thượng và xin Hòa thượng trình lại với Giáo Hội Phật Giáo là Mạ con thay mặt gia đình, xin sám hối những lời nói và việc làm trước đây đối với Tăng Ni và Phật tử Việt Nam...

    - Thứ sáu: Mục sư Donald Harrington tại Nữu Ước (New York), trong buổi giảng tại thính đường ở New York ngày 30-6-1963, đã nói: Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11- 6-1963, có vị sư tên Thích Quảng Đức đã ngồi theo kiểu tọa thiền trên đường nhựa nóng. Trên tay Người cầm một xâu chuỗi 54 hạt và bắt đầu niệm Phật, còn trên chiếc áo cà sa của Người thì đã tẩm xăng. Tất cả Tăng Ni lùi lại, kính cẩn, kinh sợ, khách bộ hành nhận thấy một biến cố phi thường sắp xảy ra nên tất cả đều dừng lại chờ đợi. Với vẻ thản nhiên, bình thản trên khuôn mặt, Ngài Quảng Đức niệm lớn Nam Mô A Di Đà Phật. Thế rồi Người bật một que diêm và ngọn lửa phừng phực phủ kín thân thể, nhưng Ngài không hề rên la hay lay động. Người ngồi thẳng trong 10 phút, thân hình chìm trong lửa đỏ và khi lửa tàn, Người nằm xuống bất động. Hòa thượng Thích Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới.

    - Thứ bảy: Tại Tích Lan, bà Sirimavo Bardarenaike, Thủ tướng Tích Lan, vô cùng xúc động. Bà kêu gọi các nước theo Phật Giáo tại Á Châu ủng hộ Tích Lan trong việc yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp vào vấn đề đàn áp Phật Giáo tại Việt Nam. Ngày 26-8-1963, Hội Nghị Phật Giáo Tích Lan yêu cầu các đoàn thể Phật Giáo trên toàn quốc treo cờ rũ để tang các Phật tử Việt Nam đã hy sinh vì tín ngưỡng.

    - Thứ tám: Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố: Căn cứ vào các tin loan đi từ Sài Gòn, rõ ràng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có những biện pháp đàn áp nghiêm khắc các lãnh tụ Phật Giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam đối với lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật Giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động đàn áp loại này.

    - Thứ chín: Với những hình ảnh Phật tử Việt Nam bị đàn áp, bắt bớ, tù đày bởi chính quyền Ngô Đình Diệm được đăng tải trên trang nhất của hầu hết các báo khắp thế giới, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã mở cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 24.10.1963.[4] Mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đến những nơi cần điều tra, nhưng cuối cùng phái đoàn cũng đã thu thập đủ bằng chứng để kết luận rằng: Phật tử Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị, khủng bố, tra tấn, tù đày, giết hại và bắt cải đạo trong nhiều năm qua.

    IV. KẾT LUẬN

    LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT Nam hơn hai nghìn năm qua, khi lên thác, lúc xuống ghềnh, lắm khi còn lênh đênh theo vận nước nổi trôi, nhưng tính tự tồn, từ bản thể của Tăng-già, từ giá trị đặc thù của nền văn hóa giác ngộ, đã un đúc và tác thành Tăng-già Việt Nam có những tố chất để làm Phật, làm Tổ, làm Thánh Tăng, làm chư vị Thiền Sư... để hộ quốc an dân, mà trong suốt dòng lịch sử thời nào cũng có.

    Bồ Tát Thích Quảng Đức có đủ những tố chất làm Phật như thế. Bồ Tát hóa thân vào đời ác có năm sự uế trược để hiển bày giá trị chân tu thật đức cho con người thấy, để nỗ lực tự tồn trên lý tưởng giác ngộ.

    Bồ Tát Thích Quảng Đức sống chung với thời đại xấu ác, nhưng lòng Bồ Tát luôn Từ Bi để hóa độ người ác. Luôn thương tưởng đến người ác mà ban bố hạnh lành hầu hóa độ cho họ chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh, chuyển ác tâm thành thiện tâm.

    Bồ Tát Thích Quảng Đức thắp sáng ngọn lửa Từ Bi từ nơi thân xác của Bồ Tát, chỉ vì người, quên thân mình để hộ trì Chánh pháp, đây là một triết lý sống cao thượng, vị tha mà chỉ có hạnh nguyện Bồ Tát mới thực hiện được.

    Hôm nay Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày về Nguồn lần thứ VII, Đại Giới Đàn Huyền Quang, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Chùa Cổ Lâm, tất cả Tăng tín đồ nhất tâm đảnh lễ

    Enjoying the preview?
    Page 1 of 1