Discover millions of ebooks, audiobooks, and so much more with a free trial

Only $11.99/month after trial. Cancel anytime.

NGẪM CAFÉ:    Nương tựa vào chính bản thân mình để về với bình yên và hạnh phúc
NGẪM CAFÉ:    Nương tựa vào chính bản thân mình để về với bình yên và hạnh phúc
NGẪM CAFÉ:    Nương tựa vào chính bản thân mình để về với bình yên và hạnh phúc
Ebook294 pages4 hours

NGẪM CAFÉ: Nương tựa vào chính bản thân mình để về với bình yên và hạnh phúc

Rating: 0 out of 5 stars

()

Read preview

About this ebook

"Có một lời nhận xét cho cuốn sách đầu tay (Tản mạn về Hạnh phúc) của tôi rằng: "Cuốn sách có lẽ như một tách trà (cho người Bắc) và ly cà phê (cho người Nam). Bạn uống cà phê chậm rãi, sau mỗi ngụm bạn hướng mắt ngắm đường phố, trò chuyện dăm ba câu với bạn ngồi cùng." Cùng với phong cách đó, cuốn NGẪM CAFÉ này cũng vậy. Các bài viết và thu âm rất tuỳ hứng, theo cảm nhận cụ thể của tôi tại từng thời điểm. Có bài thì rất ngắn, có bài thì khá dài, thậm chí là rất dài. Nội dung của mỗi bài rất độc lập, nếu phải đứng riêng một mình. Chúng giống như những ly café cho tâm hồn mà tôi muốn gửi gắm đến độc giả. Đó là những gợi ý mà tôi đề nghị các bạn nghiền ngẫm, về nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc sống và công việc. Những gì tôi viết ra chỉ là những ý tưởng mang tính gợi ý. Và rồi với những ý tưởng khởi đầu đó, bạn sẽ nghiền ngẫm về cuộc sống của mình, trong ngữ cảnh và hoàn cảnh của riêng mình. Tôi hy vọng rằng, bạn sẽ có các góc nhìn mới mẻ hơn từ những gợi ý ban đầu của tôi.

Đức Phật đã dạy rằng, chúng ta có thể nương tựa vào chính bản thân mình. Vâng, đó là những lời dạy đúng đắn và sâu sắc. Nhưng cụ thể hơn thì nương tựa vào chính bản thân mình là nương tựa vào đâu? Ví dụ như cho trường hợp của tôi chẳng hạn. Có phải nương tựa vào chính bản thân mình có nghĩa là nương tựa vào cái tôi này, vào cái người có tên là Việt Hùng, 45 tuổi, đang thất nghiệp (theo quan niệm thông thường) chăng? Chẳng phải như vậy."
LanguageTiếng việt
PublisherBookBaby
Release dateMar 17, 2023
ISBN9781667893976

Related to NGẪM CAFÉ

Related ebooks

Reviews for NGẪM CAFÉ

Rating: 0 out of 5 stars
0 ratings

0 ratings0 reviews

What did you think?

Tap to rate

Review must be at least 10 words

    Book preview

    NGẪM CAFÉ - Việt Hùng

    PHẦN 1. NGẪM VỀ SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN, KHÔNG THOẢ MÃN VÀ VÔ NGÃ

    Ngày mới nắng lên

    Một ngày mới, nắng lên!

    Ngày thì luôn luôn mới, dù nắng có lên hay không.

    Tâm con người thì chưa chắc đã như vậy, lại thường dính chặt với ngày hôm qua.

    Ngày mới đã qua, tâm chưa chắc đã mới.

    Hãy cẩn thận.

    Hãy làm mới tâm của mình mỗi ngày.

    Làm mới bằng cách nhận biết và buông bỏ đi những suy nghĩ và thói quen xấu.

    Mỗi ngày một ít. Chỉ cần một ít thôi.

    Nhưng cần đều đặn, cần liên tục.

    Mỗi ngày cứ mới hơn lên một ít từ đó.

    Rồi theo thời gian, sẽ chỉ còn sự tươi mới mỗi ngày ùa về trong nắng ấm.

    Một ngày mới, nắng lên!

    Gam màu hồng

    Mọi người thường có xu hướng chỉ chọn lọc những gì có màu hồng. Nhưng cuộc sống lại thường chỉ gửi cho chúng ta những khó khăn và những điều không vừa ý. Đó mới chính là gam màu hồng. Đó mới là chính là những cơ hội để chúng ta học hỏi và trưởng thành. Đó là những thông điệp có ý nghĩa và sâu sắc. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống — câu thần chú mà tôi đã học được từ vị Thầy của tôi.

    Ly Americano sáng …

    Thường thì khó có thể cảm nhận được sự thay đổi khi bạn ở trong một khung cảnh quen thuộc, lặp đi, lặp lại mỗi ngày. Nhưng ly café thì luôn được pha mới, luôn tươi mới. Chắc chắn là như vậy.

    Khi có thể cảm nhận được sự tươi mới của ly café sáng, thì hẳn đó cũng là lúc chúng ta thấy mọi thứ xung quanh đều tươi, đều mới, đều thay đổi, đều rực rỡ.

    Hãy bắt đầu từ những gì dễ cảm nhận, để gieo trồng sự tươi mới vậy.

    Quan sát liên tục, chỉnh sửa liên tục…

    "Tôi không thể chắc chắn về những giá trị của mình, và những lựa chọn mà tôi đã làm. Tôi luôn luôn phải tỉnh giác và nhìn xem những cách suy nghĩ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình như thế nào. Điều này chẳng dễ làm. Tôi cần phải rất chánh niệm², nhạy cảm, và phải tuyệt đối sống thật với chính mình." Sayadaw U Jotika

    Vâng, chẳng có điều gì là chắc chắn cả. Tốt hơn hết là hãy cố gắng liên tục duy trì sự tỉnh giác, để có thể quan sát và nhận biết các suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chính mình. Rồi từ đó, có các chỉnh sửa và thay đổi cần thiết, để cuộc sống chúng ta được bình yên hơn, được thoả mãn hơn. Điều này rất cần sự chân thật với chính bản thân mình. Đây là một tiến trình nên diễn ra liên tục, kéo dài bất tận từ cuộc sống này cho đến vô vàn cuộc sống kế tiếp … Cho đến khi tâm chúng ta hoàn toàn trong sạch.

    Lời nhắc nhở thường nhật

    Hình ảnh đoạn cuối của một bông hoa, đoạn cuối của một cuộc sống được ghi lại thật sống động. Sau khi nhìn lại tấm hình, tôi đã quyết định sử dụng nó làm hình nền cho điện thoại của tôi, để nhắc nhở bản thân hằng ngày rằng:

    •Cuối cùng thì những cánh hoa cũng đã khô héo. Tuy nhiên, sự hiện diện của nó đã đóng góp để tạo nên được một khung hình đẹp, trọn vẹn và hoàn chỉnh. Tất cả chúng ta, ai rồi cũng đến lúc tàn úa. Hãy chú ý và nhạy bén để vẫn có thể đóng góp được cho đến những giây phút cuối cùng. Đóng góp một cách tự nhiên, thoải mái và trọn vẹn vào bức tranh của cuộc sống.

    •Những mầm sống kế tiếp đang được hình thành trong hạt, trong nụ. Xanh tươi, mới mẻ. Và rồi các mầm sống này lại tiếp tục trở lại với cuộc sống, mang trở lại một chút của quá khứ. Những mầm sống xanh tươi, mạnh khoẻ, đầy sức sống. Đó là một vòng trọn vẹn của cuộc sống.

    Con người chúng ta, không ai có thể tránh khỏi cái chết. Và thực tế đáng sợ hơn là chúng ta chẳng thể nào chắc chắn được khi nào nó sẽ xảy ra. Có thể là 50 năm nữa. Cũng có thể là ngay vào ngày hôm nay. Việc suy ngẫm về cái chết là việc cần làm, cần làm liên tục. Nó thôi thúc chúng ta sử dụng thời gian đang có một cách ý nghĩa nhất cho bản thân mình và mọi người.

    Thanh nắm cửa mùa Cô Vy

    Trong mùa Cô Vy³, thật là căng thẳng khi phải ra đường, phải luôn để ý, nhìn trước, nhìn sau, và quan sát cẩn thận. Đặc biệt là thời điểm phải … mở cửa …

    Khi đó, bạn sẽ chọn tiếp xúc phần nào của thanh nắm cửa?

    •1/3 ở trên?

    •1/3 ở giữa như bình thường bạn vẫn làm, trước khi Cô Vy đến?

    •Hay 1/3 ở dưới thanh nắm cửa?

    •Hay là dùng cùi chỏ, hoặc xoay lưng để mở cửa?

    Một điều thú vị tôi quan sát được trong mùa Cô Vy là mọi người sẽ có xu hướng tránh 1/3 ở giữa thanh nắm cửa. Mọi người sẽ cố gắng tuỳ theo chiều cao của mình mà sử dụng hoặc 1/3 trên, hoặc 1/3 dưới mà thôi. Và kết quả là có vẻ như 1/3 ở giữa được ít sử dụng nhất, được miễn nhiễm nhất. 1/3 trên và dưới thì được sử dụng nhiều hơn. Do đó, rủi ro chắc chắn sẽ phải cao hơn. Vậy thì 1/3 nào là lựa chọn tốt đây?

    Thực tế thì chẳng có gì là chắc chắn cả. Việc chọn được 1/3 tốt nhất theo đánh giá chủ quan của bản thân chẳng thể đảm bảo được điều gì. Mà thay vào đó, luôn cần sự quan sát đều đặn, cẩn thận, luôn cần rửa tay đều đặn, duy trì khoảng cách nơi công cộng, tránh xa nơi đông người, … Sự quan sát một cách tỉnh giác và liên tục đó mới là điểm then chốt để phòng ngừa Cô Vy.

    Mong manh

    Vào một buổi sáng chậm trong mùa dịch, khi đang lững thững đi trong nhà, bất chợt tôi nghe nhoáng một cái…

    Số là một con bướm đang nhởn nhơ ngoài hiên. Bất chợt, hai con chim bay ngang qua. Chỉ bay ngang qua trong thoáng chốc, nhưng một trong hai con chim đã kịp phát hiện con mồi và nhoáng một cái đớp gọn con bướm đang nhởn nhơ trong hiên nhà. Thật nhanh, thật bất ngờ, và thật mong manh cho thân phận của một con bướm, nhanh chóng trở thành bữa ăn sáng theo một cách không mong đợi nhất.

    Cuộc sống của chúng ta nhiều khi cũng chẳng khác gì mấy so với sự việc trên. Bất ngờ, bệnh tật, những việc không mong đợi, tai ương có thể ập đến bất cứ khi nào, không cần phải báo trước. Đại dịch hiện nay cũng là một trong những việc như thế cho mỗi một chúng ta. Thật mong manh.

    Cũng như con bướm kia, cuộc đời của chúng ta có thể bị kết thúc sớm hơn mong đợi rất nhiều.

    Vậy chúng ta có gì trên cuộc đời này, giữa muôn vàn mong manh đó? Chúng ta chỉ có hiện tại. Chúng ta chỉ sống ở chính giây phút này đây. Hãy trọn vẹn nhất với hiện tại. Trọn vẹn vào hiện tại để liên tục gieo những hạt mầm cho trí tuệ, cho tương lai. Chúng ta không nên tập trung vào quả, mà chỉ nên tập trung vào việc gieo nhân.

    Đổi thay

    Tôi học được rằng, sau 7 năm, các tế bào trong cơ thể chúng ta được thay mới toàn bộ. Nghĩa là dù muốn hay không sau 7 năm, chúng ta vẫn sẽ có một cơ thể hoàn toàn mới. Sự đổi thay này cứ thế tự động xảy ra mỗi ngày. Chúng ta luôn thay đổi và mới hơn mỗi ngày, theo quy luật của tự nhiên, bất chấp việc chúng ta có nhận ra điều đó hay không.

    Các thay đổi trong tâm cũng xảy ra một cách tinh tế, tuân theo sự vận hành của tự nhiên, và cũng bất chấp việc chúng ta có nhận ra điều đó hay không.

    Nếu đằng nào cũng đổi thay, bất chấp, thì chúng ta cần có trách nhiệm hơn với sự đổi thay này. Cần liên tục gieo trồng các hạt mầm của tỉnh thức, trí tuệ và của sự trọn vẹn lên tâm trí chúng ta mỗi ngày. Để cuối cùng, cơ thể và tâm trí của chúng ta được đổi thay theo một cách lợi ích nhất.

    Hoa tàn trong nắng, để lại hạt mầm!

    Khi đến đúng thời điểm,

    thì chỉ cần một ngọn gió khẽ thôi,

    cũng đủ rụng rơi.

    Mong manh.

    Cánh hoa tàn.

    Ra đi.

    Những hạt mầm ở lại,

    tiếp tục với tiến trình sinh và diệt,

    đến và đi.

    Tiến trình sinh diệt tự nhiên khắc nghiệt này xảy ra trong mỗi một giây phút hiện tại, không phải ở quá khứ, chẳng nằm ở tương lai.

    Đau khổ đến từ việc chúng ta thường không hiểu, thường chạy trốn, thường từ chối, hoặc không chấp nhận tiến trình của tự nhiên này. Điều đó chỉ làm chồng chất thêm nhiều khổ đau nữa mà thôi. Mẹ thiên nhiên thì vẫn mạnh mẽ, liên tục, và kiên định vận hành tiến trình sinh diệt này, mà chẳng quan tâm gì đến chúng ta.

    Tôn trọng tự nhiên, hiểu được tự nhiên, thuận theo tự nhiên là cách hiệu quả nhất để tận hưởng và đi qua tiến trình này.

    Chúng ta đến và đi khỏi cuộc sống này, chúng ta để lại những gì? Đó là những hạt mầm sẽ tiếp tục biến thành mầm sống trong cuộc sống kế tiếp. Hãy liên tục gieo trồng, liên tục! Gieo điều gì thì sẽ thu hoạch được kết quả tương ứng. Ví như gieo cam thì có cam, gieo xoài thì có xoài vào mùa sau. Không thể gieo cam và mong có xoài vào mùa sau được.

    P.S. Và thậm chí sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể vượt thoát ra khỏi luôn tiến trình sinh và diệt này.

    Càng ít ham muốn, càng nhẹ gánh nặng

    Đọc được lời dạy trên vào buổi sáng sớm thứ sáu. Cảm thấy thật nhẹ nhàng.

    Nhưng càng suy ngẫm kĩ càng thì mới thấy, tuy lời dạy đơn giản, nhưng thật không dễ hiểu và không dễ để có thể thực hành được một cách trọn vẹn trong cuộc sống này.

    Ham muốn đồng nghĩa với việc chất chồng gánh nặng lên tâm trí chúng ta. Nhưng liệu chúng ta có nhận ra được gánh nặng mà chúng ta đang mang trong tâm mình không? Và nếu chúng ta chẳng nhận ra được gánh nặng đang mang, thì liệu chúng ta có biết được cần phải bỏ xuống điều gì không? Hay chỉ tiếp tục chất thêm gánh nặng lên cuộc sống của chúng ta, trong khi thời gian thì lại cứ tàn nhẫn lôi chúng ta xoành xoạch về với tuổi già, với bệnh tật? Và cứ thế chất chồng, bế tắc?

    Rồi kể cả nếu chúng ta biết được những gánh nặng đó, chẳng hạn những tập tính có hại mà chúng ta vẫn huân tập hàng ngày, liệu chúng ta có đủ kỷ luật, có đủ kiên trì để huấn luyện bản thân mình bỏ đi những tập tính có hại đó không?

    Ví như một chuyện đơn giản tôi thường thấy là giới trẻ rất thích trà sữa. Đó cứ như là một món giải khát thời thượng, trào lưu. Nhưng liệu, kể cả khi các bạn biết rằng tiêu thụ nhiều đường, nhiều sữa sẽ tàn phá sức khoẻ của bạn, thậm chí còn có thể gây cực đoan đến độ góp phần vào việc gây ra căn bệnh trầm cảm của thế giới hiện đại, thì liệu các bạn trẻ có quyết tâm bỏ được trà sữa hay không? Hoặc ví như bạn biết rằng tập thể dục đều đặn là một trong những mấu chốt để bảo vệ sức khoẻ, liệu bạn có từ bỏ được việc dậy muộn (do tham ngủ nướng) để bắt đầu một ngày mới với các bài tập thể dục không? Nếu như bạn biết rằng sân giận một ai đó thì cũng ví như việc tự mình uống thuốc độc, nhưng lại mong người khác trúng độc, thì liệu bạn có kiên nhẫn rèn luyện để từ từ giảm bớt tập tính nóng nảy, sân giận của bản thân không? Việc bỏ bớt tâm sân thật chẳng dễ dàng gì.

    Hoàn toàn bỏ được ngay và luôn mọi tham muốn là điều không tưởng. Sẽ cần một tiến trình, sẽ cần thời gian, rất nhiều thời gian. Nên chúng ta sẽ vẫn còn nhiều tham, trong khi đang dần dần thanh lọc tâm mình để … bớt tham. Nếu cần phải duy trì một tâm tham nào đó thì tôi đề nghị bạn nên tham (thậm chí là rất tham) tìm về với trí tuệ, tìm về với sự thật, tìm về với sự trưởng thành, tìm về với sự phát triển bản thân mình. Lòng tham đó, dù rằng vẫn còn có thể gây cho bạn nhiều căng thẳng và phiền toái, nhưng nó có thể giúp bạn đến gần hơn với hạnh phúc, với trưởng thành, với việc từ bỏ các tham muốn tiêu cực và có hại. Hãy tham đúng cách để từ từ bớt… tham vậy.

    Chủ ngữ giả, tả sự thật?!!

    "Thay vì là suy nghĩ, là cảm xúc, hãy là sự nhận biết ở đằng sau chúng.⁴" — Eckhart Tolle

    Tôi tình cờ học được một điều lý thú rằng: trong câu trời mưa, hay trời đang mưa, chủ ngữ là dư thừa. Trong câu này, chủ ngữ chỉ mang tính qui ước, chỉ đặt vào cho đúng ngữ pháp. Chứ nó chẳng là một đối tượng chắc thật nào cả. Nó là một chủ ngữ giả, nhưng lại tả sự thật là đang có mưa. Bởi vì, có thật là có một đối tượng ông trời đang làm mưa không? Chẳng phải vậy, chẳng có ông trời nào làm mưa ở đây cả. Mưa chỉ là một hiện tượng tự nhiên, khi mây gió hội tụ đủ điều kiện thì có mưa rơi xuống, hoàn toàn không có ai đứng đằng sau điều khiển cả. Chỉ là đang có mưa ở ngoài kia mà thôi. Nên chủ ngữ hay đại từ trời ở đây không phải là một đại từ mô tả sự thật. Nhưng nếu nghe quen tai rồi thì cứ như có vẻ là có ông trời đứng đằng sau, làm mưa. Nghe cứ như trong câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ vậy.

    Trong tiếng Anh thì câu trên là it is raining. Không có chữ trời, mà thay bằng chủ từ it. Nó chung chung hơn. Nhưng chủ từ vẫn mang tính ước lệ, cho đúng ngữ pháp, chứ chẳng đại diện cho một đối tượng thật nào cả. Cũng vẫn chỉ có một sự thật là có mưa, đang mưa mà thôi. Không có ai đứng đằng sau hành động đó cả.

    Trở lại câu nói của Echkhart Tolle, vậy đằng sau các suy nghĩ, các cảm xúc là gì? Là cái tôi chăng? Tôi đang buồn, tôi đang vui, tôi đang dự định, tôi đang lên kế hoạch? Liệu cái tôi đó có thực không? Cái tôi đó có điều khiển được suy nghĩ của mình không? Cái tôi đó có điều khiển được cảm xúc của mình hay không? Hay cũng chỉ là chủ từ giả, mang tính ước lệ? Một sự nhầm tưởng, hiểu lầm?

    Nếu chẳng có cái tôi nào, nếu tôi cũng chỉ là chủ từ giả thì suy nghĩ chỉ đơn thuần là suy nghĩ, không có tôi suy nghĩ. Cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc, không phải tôi cảm thấy rằng …

    Tôi dành riêng câu hỏi này cho bạn tự trả lời. Bạn có thể tự mình quan sát một cách khách quan những gì đang diễn ra trong tâm của bạn mỗi ngày, và rồi tự nhìn thấy xem đằng sau suy nghĩ, đằng sau cảm xúc là điều gì, là ai?

    Sách vở Phật giáo thì nói rằng, chẳng có ai cả. Rằng chính sự bối rối này, chính sự đồng hoá các suy nghĩ và cảm xúc là tôi và của tôi, sự nhầm tưởng rằng có cái tôi đứng ở đằng sau, có cái tôi điều khiển được các suy nghĩ và cảm xúc của mình, những hiểu lầm đó mới khiến chúng ta gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác. Nhưng việc nhìn thấy được, chấp nhận được sự thật này thì lại là cả một hành trình của việc huấn luyện tâm mình. Phần thưởng viên mãn của việc nhìn thấy được sự thật này là sự hoá giải, hay đúng hơn là vượt lên trên được, mọi khổ đau.

    Hãy quan sát và nghiền ngẫm xem: Vậy ai đứng ở đằng sau suy nghĩ và cảm xúc của bạn? Ai đang hỏi ai vậy? Chẳng có ai cả.

    Ngày mưa bão

    Ở miền Trung, nơi tôi lớn lên, mỗi năm thường có vài cơn bão lớn ghé thăm. Cây đổ ngổn ngang, mái tôn bay, hàng rào xiêu vẹo là những hình ảnh tôi còn ghi lại được từ trong quá khứ.

    Mỗi khi bão sắp về, những cây to lớn chính là những cây cần được chú ý đến. Khi đó, để bảo vệ mọi người và bảo vệ sự sống của chính cái cây, các cành lớn, nhánh to thường sẽ được cắt tỉa một cách cẩn thận, có tính toán để gió bão không thể quật đổ được cây. Dù tiếc biết bao nhiêu đi nữa, chúng ta vẫn phải làm, phải chấp nhận và hiểu rằng đó là lẽ thường, là việc cần làm, là việc nên làm, là việc có ích. Nhờ những việc cắt tỉa đó mà chúng ta ít rủi ro hơn. Và cây lại xanh tươi trở lại vào mùa sau, khi đã đủ thời gian hồi phục.

    Trong cuộc sống, dù chúng ta chẳng muốn giông bão, nó vẫn đôi khi ghé thăm — bất chấp mong muốn chủ quan của chúng ta. Đó là lẽ thường của cuộc sống vậy. Và lần này, cơn bão mang tên Cô Vy đã ghé thăm, đã ở lại quá lâu. Sẽ có những việc tỉa cây, cắt cành mà dù đau xót, dù không mong muốn, sẽ vẫn phải diễn ra. Điều này chắc chắn là lẽ thường, là việc cần làm, là việc nên làm, là việc có ích. Chỉ có thể nhờ những việc cắt tỉa đó mà chúng ta ít rủi ro hơn. Rồi mọi việc sẽ xanh tươi trở lại vào mùa sau, khi đã đủ thời gian hồi phục. Cần tin và hy vọng vào điều đó.

    Mỗi khi cuộc đời giông bão, luôn cần tìm cho bản thân một chỗ an yên để trú ẩn. Và nơi bình yên đó ở ngay bên trong mỗi chúng ta: đó chính là sự tỉnh giác, tâm tĩnh lặng, sự bình tĩnh, tấm lòng rộng mở, chấp nhận và tích cực. Hãy an trú và tự nương tựa vào chính bản thân mình. Điều đó là có thể làm được, như Đức Phật đã dạy từ 26 thế kỷ trước. Bạn có thể tham khảo bài giảng sau để hiểu thêm về điều này: Nổi loạn và tự do.

    Dù sao thì gió sẽ vẫn cứ thổi mà thôi…

    "Rễ sâu thì chẳng có lý do gì phải sợ gió." Ngạn ngữ Châu Phi

    Hỏi: Dù gió có thổi hả anh?

    Đáp: Gió thổi thì … gió thổi thôi □. Nhiều lúc đâu làm gì được với gió, với mưa, … với … Cô vích

    Enjoying the preview?
    Page 1 of 1